Sáng 26/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Tại đây, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, Formosa Hà Tĩnh đã xây dựng một lò luyện cốc, tới đây sẽ xây thêm một lò nữa.
Theo PGS Tuyên, mỗi ngày Formosa sản xuất khoảng 2.000 tấn cốc, mỗi tấn cốc sẽ phát ra 0,6 tấn nước thải, tương ứng với việc mỗi ngày Formosa xả khoảng 1.000-1.200 m3 nước thải ô nhiễm.
"Nếu số nước thải trên không được xử lý thì một ngày sẽ có một tấn phenol xả ra biển. Những ngày gần đây, hệ thống xử lý nước thải sinh hoá đã gần đạt chuẩn, và như vậy mỗi ngày Formosa chỉ còn xả ra hơn một kg phenol", ông Tuyên nói.
Ông Nguyễn Văn Viết, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan dân chính Đảng Hà Tĩnh, cho rằng để xử lý ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhà nước, không nên chỉ chờ tự nhiên.
"Tôi đang mong chờ một cơn bão vào Hà Tĩnh và các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Có cơn bão vào, mưa to gió lớn thì đỡ (ô nhiễm) hơn", ông Viết nói.
Tuy nhiên, PGS Tuyên cho rằng nếu bão vào cũng chỉ giúp hòa tan chất ô nhiễm, thực tế do nồng độ chất ô nhiễm thấp dần nên hệ sinh thái biển có thể tự phân hủy ngày càng nhanh. "Điều quan trọng là giám sát để không xảy ra việc xả thải chất độc vào biển nữa", ông Tuyên nhấn mạnh.
Sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nước biển miền Trung đã "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản, riêng cá biển đã an toàn hay chưa thì "cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế".
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Đức Hùng - Hải Bình