From: Nguyen thi nguyet thu
Sent: Thursday, November 08, 2007 5:08 AM
Subject: Gui muc tam su
Chào các bạn,
Tôi cũng là độc giả thường xuyên của mục Tâm sự, gần đây tôi thấy rất nhiều bài trên mục này viết về vấn đề "người thứ ba" trong các cuộc hôn nhân và đặc biệt là câu chuyện của gia đình anh Vinh và chị Ly Ly. Tôi thấy việc "cặp bồ" của các đôi vợ chồng trong xã hội ta hiện nay quả thật là một hiện tượng phổ biến. Nếu như điều đó trước đây bị coi là "đáng hổ thẹn và suy đồi về đạo đức", bị toàn xă hội lên án và trừng phạt thì ngày nay những người đã có gia đình và "có bồ" lại nói công khai về điều này một cách "không hổ thẹn".
Tôi thấy đã đến lúc luật pháp và các đoàn thể phải có "sự can thiệp một cách cụ thể" để bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình "một vợ một chồng" và những người vô tội (vợ hoặc chồng của người "có bồ" và những đứa con). Điều thực tế là những người đi "cặp bồ" trước đây bao giờ cũng đưa ra những lý do "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" trong gia đình của họ để nguỵ biện cho chuyện ngoại tình. Ngày nay thì cả những ông chồng không chê được vợ điều gì cũng "có bồ" thì quả là "tai hoạ", là mối đe dọa tất cả gia đình hiện nay.
Đến đây tôi cũng xin tự giới thiệu chút ít về mình để bạn đọc biết về tôi. Tôi là một giáo viên đại học về khoa học xă hội ở Hà Nội và hiện nay làm việc tại ĐH ở Tây Âu, đã một lần ly dị cách đây gần 20 năm khi con trai còn dưới 1 tuổi. Cuộc chia tay đó gần như đã làm cho tôi suy sụp (trong vòng 6 tháng tôi mất đi 20 kg) về tất cả mọi phương diện và rồi sau đó tôi cũng đứng dậy và tự khẳng định mình cho đến ngày hôm nay.
Lúc ra toà, chồng tôi cũng "đồng ý nhường quyền nuôi con nhỏ" cho tôi vì đó là yêu cầu duy nhất của tôi khi ly hôn và anh ấy cũng trình bày "hoàn cảnh khó khăn về kinh tế" để "mặc cả" trước toà từng đồng về việc "đóng góp nuôi con". Cuối cùng thì toà cũng đồng ý chấp nhận cho anh ấy góp 10.000 đồng để nuôi con hàng tháng (vì lương của anh ấy lúc đó chỉ có 60.000 đồng, nhưng có ai sống được bằng tiền lương thời đó đâu).
Ai nghe thấy cũng cười vì 1 hộp sữa bột 500 gram của Nga cũng đã 15 000 đồng. Vậy mà anh ấy cũng chỉ đưa được đúng 1 tháng trước toà rồi sau đó "quên" luôn trách nhiệm của mình. Thế nhưng "quyền làm bố" thì anh ấy không quên, thậm chí còn lạm dụng quyền đó để đến thăm con vào sau 22h, vào những lúc anh ấy "rảnh rỗi" (vì tôi không còn cha mẹ và sống một mình với con).
Từ sau khi ly hôn, trừ ngày chủ nhật còn ngày nào 2 mẹ con tôi cũng ra đi từ 6h30 và chỉ trở về nhà sau 22h tối. Tôi phải vừa đi dạy vừa phải học thêm về chuyên môn và ngoại ngữ và vừa phải đi giao hàng quần áo để lấy tiền sống qua ngày. Con tôi ban ngày thì đi nhà trẻ, hết giờ nhà trẻ tôi đón cháu về qua nhà chị tôi ở gần trường của cháu để cho cháu ăn uống và tắm rửa rồi lại đem đi gửi ở nhà một bà cụ cho đến 22h.
Tối nào tôi cũng một tay lái xe máy và một tay bế con đang ngủ để đi về bất kể thời tiết mưa bão lụt lội. Thế rồi 3 năm sau tôi cũng thi đỗ kỳ thi tuyển đi học sau đại học ở nước ngoài và sau khi ổn định ăn ở bên đó, tôi cũng về đưa cháu sang ở cùng. Ở xứ người, cuộc sống còn "căng thẳng hơn". Cứ 7h sáng là cả 2 mẹ con ra đường, chiều về đón cháu cho ăn uống vệ sinh rồi lại gửi con cho "nhà trẻ tư" để tôi còn tiếp tục đi học hoặc đi làm thêm buổi tối.
Đến nay, tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Con trai tôi đang học đại học, chúng tôi đã có nhà riêng và có đầy đủ mọi thứ, chỉ có điều sức khoẻ của tôi đã ở mức báo động từ 5 năm nay do "có vấn đề về tim phổi, cột sống và huyết áp". Tôi từng muốn có thêm "baby" nhưng bác sĩ không ủng hộ vì sức khoẻ không cho phép. Từ năm ngoái bác sĩ cũng khuyên tôi không nên làm viêc "full time" nữa bởi các căn bệnh của tôi đều bắt nguồn từ stress và nếu cứ tiếp tục chịu nhiều stress thi e rằng sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng.
Điều tôi muốn nói với các bạn ở đây qua "kinh nghiệm" của tôi là tại sao người phụ nữ lại phải trả giá cho những sai lầm của người khác đã gây tai hoạ cho cuộc sống và gia đình mình? Tại sao những kẻ gây tai hoạ lai "nhởn nhơ" trước pháp luật và nếu có chăng chỉ là luật "quả báo"? Tôi không đồng ý với quan niệm này vì nó "ru ngủ và xoa dịu" những người phụ nữ có hoàn cảnh oan trái do sự phản bội của người chồng.
Các bạn hãy thử hình dung một phụ nữ xinh đẹp giỏi giang chẳng kém gì người đàn ông (có khi còn sắc sảo hơn) khi lấy chồng, sau khi cưới cô ấy mất 5 năm để mang thai, sinh con và chăm sóc cho đứa con và gia đình. Nếu có 2 đứa con người phụ nữ đó mất gần 10 năm để chăm lo cho gia đình và con cái. Trong thời gian đó bạn bè cùng lứa không mắc bận việc gia đình cũng như chồng cô ta đã "tiến xa" trên con đường sự nghiệp, người phụ nữ bị "lùi lại" so với chồng hoặc bạn bè "rảnh rỗi" là chuyện thường tình.
Vì vậy phân công lao động trong một gia đình bình thường vẫn là "người chồng lo đối ngoại và kiếm ăn, người vợ lo đối nội với hàng nghìn thứ việc không tên hằng ngày". Các cụ ngày xưa vẫn có câu "của chồng công vợ". Thế nhưng đến một ngày người chồng phụ bạc có bồ và đòi chia tay người vợ. Khi ra toà người chồng có chứng cớ để chứng minh đươc trước toà là "toàn bộ tài sản lớn của gia đình là do anh ta kiếm ra nên anh ta lấy, còn người vợ chỉ có thể có những đứa con thôi và anh chồng đồng ý đóng góp nuôi con hàng tháng trên cơ sở thu nhập công khai của mình (như trường hợp của anh Ngọc).
Người vợ tay trắng với những đứa con là tài sản duy nhất để bắt đầu lại cuộc sống ở tuổi ngoài 30, cứ đi ra đến cửa là phải gửi con (đương nhiên là cũng phải trả tiền), phải kiếm đủ tiền để gửi và nuôi con cũng như nuôi bản thân mình và để tự khẳng định mình. Người phụ nữ với tuổi trẻ đã lùi lại phía sau phải "gồng" hết sức để làm việc hơn gấp hai người thường (cho mình và cho con) và để tiến kịp với các bạn cùng lứa sẽ phải trả bằng chính sức khoẻ hoặc cuộc đời của mình. Các bạn có thấy "lô gic" bình thường trong chuyện này không?
Bây giờ tôi muốn nói để các bạn có một ví dụ tham khảo về luật pháp ở rất nhiều nước châu Âu. Trong luật hôn nhân và gia đình, họ quy định rõ trong cuộc sống gia đình, nếu một người mắc sai lầm dẫn đến làm tan vỡ gia đình thì tất cả tài sản có được trong thời gian hôn nhân sẽ thuộc về người kia, người mắc lỗi phải ra đi chỉ với quần áo và tư trang của bản thân.
Theo tôi thì đây cũng là một sự "răn đe" chuyện có "nhân tình" và để bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình nói chung. Có lẽ nếu Việt Nam cũng có những chế tài quy định các hình phạt đối với những người có gia đình mà vẫn có bồ thì cũng sẽ ngăn chặn được phần nào "tệ nạn" này trong xã hội. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, tuy nhiên cho dù luật pháp có chặt chẽ đến đâu thì những người vô tội (những đứa con và người ở lại) vẫn phải trả giá một phần trong các cuộc ly hôn.
Vài dòng để bạn đọc tham khảo ý kiến và có lẽ cũng để an ủi phần nào cho những người là nạn nhân của tệ nạn "năm thê bảy thiếp".
Maxicool