Trong hội nghị "Tăng cường chỉ đạo tuyến cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc", hầu hết đại diện ngành y tế tỉnh thành phía Nam cho rằng, khoa cấp cứu ở các bệnh viện cần phải được đầu tư nhân lực và máy móc trang thiết bị nhiều hơn nữa mới có thể yên tâm khi tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn tập thể, ngộ độc thực phẩm hoặc các ca bị rắn độc cắn, ong đốt...
Khoa Cấp cứu hồi sức BV Nhi Đồng 1, TP HCM luôn chật bệnh nhi. Ảnh: T.C. |
Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi chi viện cho tuyến dưới với trung bình mỗi năm cấp cứu 90.000 ca, trong đó gần 2.500 ca chấn thương sọ não nhưng cũng đang thiếu cả bác sĩ lẫn điều dưỡng cho chuyên khoa này.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho thấy chỉ có 16% nhân viên y tế của tỉnh được đào tạo chuyên sâu hay tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về cấp cứu hồi sức tích cực. Nhiều tỉnh khác như Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai... tình hình cũng tương tự.
Lý giải vấn đề thiếu cán bộ chuyên môn, đại diện các bệnh viện cho rằng nguyên nhân là ở phía Nam không có nơi nào đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu và chống độc. Các đơn vị phải tự gửi cán bộ ra học tại trường Đại học Y Hà Nội hoặc tự đào tạo.
Chiếc máy lọc máu quý giá tại BV Nhi Đồng 1 là niềm mơ ước của nhiều bệnh viện tỉnh khác. Ảnh: T.C. |
Ngoài nhân lực, các tỉnh thành phía Nam còn cho biết, tình trạng thiếu thốn trang thiết bị như xe cứu thương chuyên trách, máy móc kỹ thuật hỗ trợ hồi sức cấp cứu, khiến việc "cứu người như cứu hỏa" còn nhiều trở ngại.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, 2 trong 7 máy thở khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh đã quá cũ. Nhiều máy thở tại các khoa hồi sức tích cực không thể sử dụng được do hỏng hóc. Các máy thở dành cho bệnh nhân SAS, H5N1 thì lại không có hệ thống lọc khí thở ra, vì vậy ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kiên Giang cũng chưa có máy tạo nhịp tim tạm thời qua da và qua lòng mạch. Nhiều máy cấp cứu khác hoạt động bất ổn định, thi thoảng bị hỏng mà không có máy thay thế... Tất cả bệnh nhân đều phải chuyển lên tuyến trên tại TP HCM.
Tuy nhiên tại tuyến trên, nhiều bệnh viện chuyên "hứng" bệnh nhân không thể chữa từ tỉnh như Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và nhiều trung tâm cấp cứu khác cũng lâm vào tình trạng thiếu thốn nhiều trang thiết bị như máy móc lọc máu, thuốc chống độc... "Nếu có xảy ra tai nạn tập thể, công tác điều trị sẽ rất khó khăn", một giám đốc bệnh viện cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cho rằng các tỉnh thành phải thấy được tầm quan trọng của cấp cứu hồi sức và nhanh chóng tăng cường đầu tư hỗ trợ cho các bệnh viện trong việc mua sắm trang thiết bị. Riêng các cơ sở y tế phải nhanh chóng tập trung khắc phục về yếu tố chuyên môn và con người.
"Cấp cứu hồi sức là nhiệm vụ quan trọng nhất để cứu sống bệnh nhân kịp thời. Đặc biệt khi xảy ra các sự cố, thảm họa cần đến cấp cứu tập thể, do đó không thể không quan tâm và đầu tư", ông Kính nói.
Thiên Chương