Tại sao chưa lấy lại được? Vì Trung Quốc chưa bao giờ có ý định trả lại Hoàng Sa cho ta. Họ sẽ không bao giờ có ý định trả lại Hoàng Sa, có chăng, họ chỉ muốn lấy thêm.
Trong 40 năm đó, Trung Quốc có những bước tiến dài, đạt được những thành tựu phát triển vô cùng mạnh mẽ, thực sự trở thành cường quốc về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, quân sự. Họ cung cấp hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp cho cả thế giới. Họ là chủ nợ của cả thế giới, kể cả Mỹ và Nga. Chẳng có nước nào lại không thâm hụt ngoại thương với Trung Quốc.
Họ chế tạo và phóng tàu vũ trụ chở người, đưa xe tự hành lên mặt trăng. Họ chế tạo tàu phá băng điều đến Bắc Cực, Nam Cực, lập các trạm nghiên cứu ở đó. Họ chế tạo tàu lặn lặn xuống đáy biển 7 km. Họ chế tạo máy bay phản lực cạnh tranh với Mỹ và Tây Âu. Họ chế tạo hàng loạt giàn khoan viễn dương, trong đó có “con” Hải Dương 981 gây khó chịu cho ta.
Họ làm chủ kỹ thuật, công nghệ tàu hỏa cao tốc, từ đầu máy, toa xe, đến hạ tầng đường sắt. Đường bộ cao tốc của họ cũng rất phát triển, họ thi công nhanh và rẻ, nhưng chất lượng không tồi. Họ sản xuất xe máy bán ồ ạt sang ta, nhưng các đô thị lớn của họ lại cấm xe máy.
Họ có nhiều nhà khoa học giỏi, cả ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Họ có vài nhà văn đạt giải Nobel văn học. Họ làm được những bộ phim với chất lượng nội dung, kỹ thuật điện ảnh đáng nể. Họ có nhiều quan tham, nhưng họ chống tham nhũng cũng rất mạnh tay. Đặc biệt, họ ít có tham nhũng vặt, ép người dân chi tiền ở trường học, bệnh viện, ở phường, trên đường giao thông...
Các doanh nghiệp của họ về cơ bản được hưởng sự đối xử bình đẳng, người dân được động viên khuyến khích làm giàu, ít bị "trấn lột".
Thế nhưng chính Trung Quốc từng chịu nỗi nhục mất lãnh thổ. Thua chiến tranh nha phiến với Anh, họ muối mặt ký Hiệp ước Nanking năm 1842, Hiệp ước Beijing năm 1860, họ trao vĩnh viễn cho Anh đảo Hong Kong và bán đảo Kowloon (Cửu Long). Năm 1898, họ phải ký tiếp với Anh "Công ước mở rộng Hong Kong", cho Anh thuê thêm New Territories (Đất Mới, rộng gấp nhiều lần đảo Hong Kong và khu Kowloon) trong 99 năm. Nhưng khi họ đã mạnh lên, ngày 1/7/1997, họ không chỉ thu lại đất cho thuê New Territories, mà thu hồi luôn đảo Hong Kong và bán đảo Kowloon. Nỗi nhục mất Hong Kong của người Trung Quốc kéo dài 155 năm.
Trung Quốc cũng đã chịu cảnh nghèo hèn, đói khổ trong cuộc Cách mạng Văn hóa, khi họ bắt đầu cải cách kinh tế - xã hội từ thời Đặng Tiểu Bình, điểm xuất phát của họ không khá hơn Việt Nam bao nhiêu.
Sau 40 năm, trong những thành tựu phát triển của Trung Quốc mà tôi viết ở trên, ta đã đạt được những thành tựu gì? Sự nghiệp công nghiệp hóa nước ta đang ở đâu khi nông nghiệp vẫn chiếm gần 70% dân cư Việt Nam và ngoài các công ty FDI gần như không có doanh nghiệp nào sản xuất được hàng hoá đủ tốt, đủ rẻ, đủ nhiều có khả năng cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc trong và ngoài nước? Ở Trung Quốc, dân cư nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 36%.
Nền kinh tế Việt Nam khó mà được chấn hưng, đặt lên đường ray phát triển khi rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế này cảm thấy mình kém cỏi, yếu thế và... nản. Ai cũng có thể bắt nạt, làm khó họ, từ cơ quan to đến cơ quan nhỏ. VCCI không sai khi gọi các doanh nghiệp Việt Nam là "đội quân thuyền thúng", làm sao ra được đại dương để "đánh bắt"?
Nền khoa học - kỹ thuật Việt Nam đang ở đâu? Nền giao thông Việt Nam đang ở đâu? Nền giáo dục, y tế Việt Nam đang ở đâu? Nền văn học nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu?
Người Việt ta lấy đâu thời gian, đầu óc, năng lượng để kiến tạo phát triển khi mỗi ngày phải chịu bao nhiêu bức xúc trong cuộc sống đời thường, từ chuyện con cái học hành, người nhà đi bệnh viện, khi chen chúc đi lại trên đường bằng xe máy, khi đến các cơ quan công quyền giải quyết các công việc công, tư?
Bao giờ lấy lại được Hoàng Sa? Cùng với sức mạnh của chính nghĩa, tôi nghĩ điều đó còn phụ thuộc vào mỗi một người Việt Nam. Khi nào Việt Nam ta thực sự giàu về kinh tế, mạnh về khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, chính trị, ngoại giao, quốc phòng; "nặng ký" trong các quan hệ song phương, đa phương; khi không nước nào dám bắt nạt nước ta, nước nào cũng muốn quan hệ thân thiện, thuận lợi, cùng có lợi với nước ta.
Còn khi mà tất cả các lĩnh vực của đất nước còn đang yếu kém, mọi điều đều khó nói, tương lai, vận mệnh đất nước khó lường.
Lương Hoài Nam