Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Quyền của người lập di chúc được quy định tại Điều 626 BLDS, cụ thể:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Pháp luật tôn trọng quyền của người lập di chúc trong việc định đoạt tài sản cho những người còn sống. Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích của những người có mối quan hệ ruột thịt với người để lại di chúc, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, bao gồm:
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này."
Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai mà không cho bạn và em gái; do đó là tài sản của bố mẹ bạn nên bố mẹ bạn có quyền định đoạt, lập di chúc cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên nếu bạn và em gái thuộc trường hợp quy định tại Điều 644 nêu trên thì dù không có tên trong di chúc, bạn và em gái vẫn có quyền được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.