Đại diện Netflix đưa ra thông báo sau các cuộc tranh luận giữa đơn vị này và ban tổ chức Cannes vài tuần qua. Thierry Frémaux - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes - khẳng định phim của Netflix chỉ được dự hạng mục không tranh giải. Đơn vị này đáp trả bằng cách rút tất cả phim khỏi sự kiện.
Theo quy định mới của Liên hoan Cannes (Pháp), một phim muốn tranh giải phải được chiếu ở rạp, còn các tác phẩm của Netflix được phát hành trực tuyến trên trang web của họ. Giải pháp được đề ra là phim của Netflix sẽ chiếu vài suất ở Pháp để đủ tiêu chuẩn tranh giải. Tuy nhiên, nếu làm vậy, phải 36 tháng sau phim mới có thể chiếu trực tuyến (theo luật của Pháp), làm đảo lộn kế hoạch phát hành của đơn vị.
Ted Sarandos sinh năm 1964, tham gia Netflix từ năm 2000. Ông và CEO Reed Hastings được xem là những "kiến trúc sư" cho sự phát triển của đơn vị nhiều năm qua. Sarandos là người phát triển thuật toán để nhận định sở thích của người dùng Netflix, từ đó đề ra chiến lược phát hành và sản xuất. |
Trên Variety, Ted Sarandos - người quản lý khối nội dung của Netflix - chia sẻ: "Chúng tôi muốn được đối xử công bằng như các nhà làm phim khác. Liên hoan phim Cannes đề cao cách phát hành chứ không phải nghệ thuật". Ông Sarandos cũng hy vọng trong tương lai, ban tổ chức sẽ cân nhắc quyết định này.
Năm 2017, Liên hoan phim Cannes cho hai phim của Netflix là The Meyerowitz Stories (đạo diễn Noah Baumbach) và Okja (đạo diễn Bong Joon-ho) tranh giải Cành Cọ Vàng. Điều này dẫn đến những tranh cãi suốt thời gian diễn ra sự kiện. Ngay trong buổi họp báo, Pedro Almodóvar - chủ tịch ban giám khảo - và Will Smith - thành viên ban giám khảo - bất đồng quan điểm về Netflix. Nhiều người la ó phản đối khi logo Netflix xuất hiện ở các buổi chiếu The Meyerowitz Stories và Okja. Năm nay, ban tổ chức đưa ra quyết định dứt khoát với các phim của Netflix.
* Trailer "Okja" - phim tranh giải Cành Cọ Vàng năm ngoái của Netflix
Ở tầm cao hơn, mâu thuẫn của Netflix và Cannes không chỉ là giữa hai đơn vị mà còn là giữa sự cách tân và truyền thống trong cách nhìn nhận điện ảnh. Netflix đưa ra lối phát hành trực tuyến, khiến khán giả không cần đến rạp vẫn có thể xem phim. Tuy nhiên, ban tổ chức của Cannes cho rằng điều này đi ngược giá trị nguyên bản của điện ảnh là thưởng thức phim trên màn ảnh rộng. Chủ tịch Cannes - Thierry Frémaux - cho rằng tác phẩm của Netflix không phải phim điện ảnh mà là "con lai" giữa điện ảnh và truyền hình.
Trang Guardian nhận định đây là xung đột quan trọng, có thể dẫn đến sự phân nhánh lớn trong ngành công nghiệp phim ảnh. Phản ứng của các liên hoan khác với Netflix trong vài tháng tới sẽ quyết định liệu phim phát hành trực tuyến có nằm trong dòng chảy chủ lưu của điện ảnh đương đại hay không.
Ngô Thanh Vân từng đóng hai phim do Netflix sản xuất - Ngọa hổ tàng long 2 (2016, ảnh) - và Bright (2017). |
Netflix ra đời từ năm 1997, bắt đầu với việc chiếu phim trực tuyến và kinh doanh đĩa DVD. Từ năm 2013, đơn vị bắt đầu sản xuất phim truyền hình và điện ảnh, gây xáo động trong ngành công nghiệp. Ở mảng truyền hình, Netflix phát hành trực tuyến tất cả tập trong cùng một ngày, chứ không lần lượt chiếu từng tập như series thông thường. Ở mảng điện ảnh, Netflix mời các đạo diễn tên tuổi làm phim và muốn được đối xử ngang hàng với các hãng phim truyền thống ở các giải điện ảnh lớn. Đến năm nay, đơn vị có 117,58 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu, trong đó có 54,75 triệu người ở Mỹ.
Ân Nguyễn