Glen Keane, thiết kế nhân vật kỳ cựu từng làm cho Disney, lần đầu thử sức đạo diễn phim hoạt hình dài. Phim về cô bé Fei Fei sống trong gia đình đông người nhưng thiếu vắng tình mẹ. Sau khi nghe truyền thuyết Chang’e (Hằng Nga) chờ tình yêu trên cung trăng, cô chế tạo tên lửa để gặp tiên nữ. Cô bé gặp rắc rối và cuối cùng lạc vào hành tinh Lunaria đầy sắc màu và sinh vật kì bí.
Over the moon lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian Hằng Nga - tiên nữ cung trăng ở nước châu Á, cụ thể trong phim là Trung Quốc. Nền văn hóa Đông - Tây kết hợp tạo nên sự khác biệt. Trong trailer tung 23/6, Fei Fei ăn cơm với gia đình trên bàn tròn, uống trà sữa, một hình tượng tuổi teen chưa từng thấy trên phim hoạt hình phát hành quốc tế.
Theo Collider, trong buổi họp báo ra mắt phim trực tuyến, Keane chia sẻ háo hức của ông khi thăm Trung Quốc để tìm tư liệu bối cảnh. Ông chứng kiến tận mắt cuộc sống nhộn nhịp, không khí gần gũi của gia đình. Mọi người ở đây có lối sống hiện đại nhưng vẫn duy trì truyền thống ăn cơm chung. Vì thế, trong phim bàn ăn là bối cảnh quan trọng thể hiện xung đột hay cá tính nhân vật.
Đạo diễn tạo một hình mẫu cổ vũ khán giả có niềm tin vào bản thân. Keane nói "Giấc mơ điên cuồng, khó tin cỡ nào cũng có thể thành sự thật". Trong gần 5 tháng, storyboard (kịch bản hình) và tám bài nhạc phim đã hoàn thành. Phim quy tụ dàn diễn viên lồng tiếng tên tuổi Ruthie Ann Miles (ngôi sao Broadway The King and I), Cathy Ang, Phillipa Soo (diễn viên nhạc kịch Hamilton), Robert G. Chiu, Ken Jeong, Sandra Oh (nữ diễn viên chính xuất sắc phim chính kịch Emmy 2019)... Sandra Oh nói về thông điệp: "Phim là câu chuyện cụ thể của người châu Á nhưng phán ảnh ý nghĩa chung về tình yêu gia đình và sự tin tưởng".
Hồi tháng 4, Netflix đã ra mắt hoạt hình gốc The Willoughbys về bốn chị em tìm cách rời khỏi người bố mẹ ích kỷ. Trước đó Klaus, Despicable Me nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người yêu hoạt hình.
Quỳnh Quyên