Đầu những năm 2010, Netflix chỉ có hơn 12 triệu người đăng ký, với mức định giá chỉ vài tỷ USD. Đến nay, vốn hóa công ty này đạt gần 148 tỷ USD, đứng trong danh sách một trong 40 công ty có giá trị nhất nước Mỹ. Đằng sau con số ấn tượng này là tỷ suất sinh lời cổ phiếu tốt nhất thập kỷ.
Đặt cược 1 triệu USD vào cổ phiếu Netflix đầu năm 2010, đến nay giá trị sẽ tăng lên gần 43 triệu USD. Tỷ suất sinh lời 4.181% đánh bại tất cả công ty khác trong rổ chỉ số S&P 500. Bản thân chỉ số này cũng chỉ tăng 189% kể từ năm 2010.
Các nhà đầu tư nhìn thấy sự sụp đổ của "đế chế" DVD và đặt cược vào tầm nhìn của CEO Reed Hastings về một tương lai truyền hình trực tuyến trả tiền sẽ thống trị thập kỷ.
Sự gia tăng chóng mặt của giá cổ phiếu, thực tế, lại khiến nhà đầu tư lo ngại về số liệu tài chính cơ bản, đặc biệt là lợi nhuận và dòng tiền. Netflix hoạt động với một biên lợi nhuận mỏng và dòng tiền tự do âm, phản ánh các khoản chi phí lớn để mua và đầu tư các chương trình giải trí mà người tiêu dùng muốn xem. Hơn nữa, các đối thủ của Netflix trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, như Apple hay Disney, đang buộc công ty này phải chi nhiều hơn cho các bộ phim và chương trình truyền hình để ngăn khách hàng chuyển sang các nền tảng đối thủ.
Các mối đe dọa hiện hữu không chỉ là kịch bản giả định cho Netflix. Cuộc khủng hoảng thực sự đã diễn ra vào năm 2011, được gọi là sự kiện Qwikster. Tháng 7/2011, sau khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất Blockbuster phá sản, Netflix quyết định tăng 60% phí hàng tháng với lý do đang cung cấp những dịch vụ chất lượng hoàn hảo. Sau quyết định đó, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê băng đĩa bất ngờ ra tuyên bố tách Netflix thành hai mảng DVD và truyền hình trực tuyến với các gói đăng ký riêng.
Tuy nhiên, điều này không được hưởng ứng từ thị trường. Khách hàng tháo chạy khỏi Netflix, cổ phiếu của công ty giảm 75% chỉ trong bốn tháng. Hệ quả là Netflix buộc phải quay lại cách vận hành cũ và huy động 400 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp. Technology Crossover Ventures, công ty của Jay Hoag, một thành viên Hội đồng quản trị của Netflix, đã chi 200 triệu USD để đổi lấy quyền mua cổ phần trong đợt "giải cứu" Netflix năm 2011. Trên cơ sở thỏa thuận, TCV được mua 16 triệu cổ phần với mức giá 12,26 USD. Hiện nay, số cổ phiếu này trị giá khoảng 1,66 tỷ USD.
"Đi ngược lại thị trường là sẽ đem lại khoản lợi kếch xù, nhưng đó là nếu bạn đúng", Hoag nói.
Hội đồng quản trị Netflix khi đó chưa đánh giá cao việc tự phát triển nội dung gốc, không có bằng chứng nào cho thấy hướng đi này có thể thành công. Một chương trình có tên "Lilyhammer" dự kiến ra mắt tại Bắc Mỹ trên nền tảng Netflix đầu năm 2012, nhưng tất cả chỉ dừng ở mức kế hoạch.
Nhưng đến nay, mọi thứ đã thay đổi. Netflix bỏ ra khoảng 15 tỷ USD trong năm 2019 để phát triển nội dung, tăng gần 70% so với hai năm trước đó. Giám đốc nội dung, Ted Sarandos cho biết, năm ngoái 85% chi tiêu mới là để phát triển nội dung gốc. Để thúc đẩy chi tiêu, Netflix đã vay gần 10 tỷ USD trong hai năm qua, nhiều gấp đôi số nợ của chính công ty này trước thời điểm đó và khiến tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu tăng lên hơn hai lần.
Tuy nhiên, phát triển nội dung là xu hướng, nhưng cũng là cuộc chiến rất tốn kém. Và điều này đã dấy lên sự hoài nghi từ các cổ đông của Netflix.
Cổ phiếu của Netflix chỉ tăng 26% trong năm nay, cao hơn 3 điểm phần trăm so với mức tăng của S&P 500. Việc Disney tham gia vào cuộc đua truyền hình trả tiền với Disney+, cùng hàng loạt cái tên đình đám khác như HBO Max của Warner Media hay NBC Peacock không chỉ là mối đe dọa tiềm tàng mà còn tăng lo ngại về việc hạn chế quyền truy cập của Netflix vào danh sách nội dung của những đơn vị này.
Michael Pachter của Wedbush Securities đưa ra khuyến nghị bán với cổ phiếu Netflix với mức giá mục tiêu 188 USD, tương đương với mức giảm 44% so với hiện tại. Báo cáo của Pachter liên tục hạ đánh giá cổ phiếu Netflix từ năm 2011, khiến bất cứ nhà đầu tư nào theo khuyến nghị này đều bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào cổ phiếu sinh lời cao nhất thập kỷ. Đầu năm nay, Pachter so sánh khuyến nghị bán dai dẳng của mình với chiếc đồng hồ hỏng vì dù thế nào thì cuối cùng cũng có lúc nó chỉ đúng.
Đến cuối quý III/2019, số lượng tài khoản thành viên của Netflix đã tăng lên 158,3 triệu, gấp đôi so với cách đây bốn năm. Chủ yếu đà tăng đến từ các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Tỷ trọng nhóm khách hàng này đã tăng lên 62%, so với mức 51% năm 2017 và 36% năm 2015.
Minh Sơn (theo CNBC)