Ngày 8/5, nguồn tin của Screen Rant cho biết hai hãng phim lớn Netflix và Amazon sẽ ngừng mọi hoạt động với Golden Globes (Quả Cầu Vàng) cho tới khi ban tổ chức tái cơ cấu. Hồi tháng 2, tờ Los Angeles Times viết về việc toàn bộ ban giám khảo không có người da đen. Nhiều ý kiến nghi ngờ nội bộ lễ trao giải tồn tại nạn phân biệt chủng tộc.
Giới chuyên môn nhận xét hành động này có thể ảnh hưởng lớn tới tương lai của giải thưởng nổi tiếng. Netflix "thống trị" đề cử Quả Cầu Vàng năm nay với việc xuất hiện tại 42 hạng mục, Amazon xếp thứ hai với 10 hạng mục. Việc hai hãng phim tẩy chay có thể khiến giải thưởng mất đi nhiều phim và nghệ sĩ thực lực.
Quả Cầu Vàng do Hiệp hội Quốc tế Hollywood (HFPA) sáng lập năm 1944, là giải thưởng thu hút đông khán giả thứ ba tại Mỹ, sau Oscar và Grammy. Ban giám khảo gồm khoảng 90 thành viên của HFPA, đến từ các tờ báo của 55 quốc gia.
Tuy nhiên, danh tiếng Quả Cầu Vàng suy giảm những năm gần đây. Nhiều ý kiến tranh cãi ban tổ chức kém chuyên môn trong việc sắp xếp các hạng mục. Hồi tháng 2, phim Minari dù được công ty Mỹ sản xuất nhưng bị xếp vào mục "Phim quốc tế xuất sắc". Năm 2018, phim kinh dị Get Out bị xếp tranh giải "Phim hài - âm nhạc". Năm 2008, Quả Cầu Vàng bị Hiệp hội Biên kịch Mỹ biểu tình, phản đối khiến lễ trao giải không diễn ra. Ban tổ chức thông báo người thắng cuộc qua một buổi họp báo.
Hollywood Reporter và Deadline nhận định HFPA là một "hội kín" quyền lực, có thành viên là nhà báo, người truyền cảm hứng, diễn giả hoạt động trong nhiều tổ chức truyền thông lớn trên toàn thế giới. Một số thành viên chọn giữ kín danh tính, số khác không ngại ngần công khai. Các tên tuổi lớn trong hiệp hội này có nữ diễn viên gốc Hoa Lisa Lu - đóng phim Crazy Rich Asians, cựu Hoa hậu Hoàn vũ Margaret Gardiner, nam diễn viên gốc Ấn Noél De Souza - đóng loạt Star Trek, "bà trùm" trang sức Yola Czaderska-Hayek, vận động viên cử tạ Alexander Nevsky...
Phương Mai (theo Screen Rant)