Các bức ảnh được giới thiệu trong sách "Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay" của các tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Tim Doling, Võ Chi Mai thực hiện, nguồn ảnh được chọn lọc trong nhiều năm từ các tạp chí, tư liệu đầu thế kỷ 20. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM ấn hành hồi tháng 7, tái bản đầu tháng 8 với số lượng 1.000 cuốn. Ông Nguyễn Đức Hiệp - đại diện nhóm tác giả - kỳ vọng tác phẩm giúp bạn đọc khám phá thêm nhiều khía cạnh văn hóa xã hội, kiến trúc đô thị miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay.Những người dân bán đồ ăn trên vỉa hè, trước một tiệm tạp hóa, nay là góc đường Trần Hưng Đạo - Phạm Đôn (quận 5). Theo sách, Chợ Lớn (ngày nay là quận 5, quận 6, TP HCM) được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19, khi cộng đồng người Hoa đến định cư, xây dựng một đô thị sầm uất. Năm 1956, Sài Gòn - Chợ Lớn được gọi tên thống nhất là Sài Gòn.Phu kéo xe trước Tuệ Thành Hội quán, còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Chợ Lớn, một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa xưa. Địa điểm hiện nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), là nơi tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước.Không gian trước Tuệ Thành Hội quán năm 1909.Người dân dạo phố trước dãy nhà liền kề nhau. Theo nhóm tác giả, đây có thể là các ngôi nhà do ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901), còn gọi là "chú Hỏa", xây nên. Ông là người Hoa định cư ở Nam bộ, có cơ nghiệp khổng lồ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền khắp thành phố. Theo giai thoại, ông được xếp hàng thứ tư những người giàu nhất miền Nam thời ấy - "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa".Người dân qua lại trên Rue de Canton (đường Triệu Quang Phục, quận 5 ngày nay). Tác giả cho biết đây là một trong những con đường trung tâm của Chợ Lớn, với tiệm thuốc Nhị Thiên Đường nổi tiếng đầu thế kỷ 20.Những mái nhà ở đường Triệu Quang Phục nhìn về hướng kênh Tàu Hủ.Nhà hát bội tại đường Rue de Paris, nay là đường Phùng Hưng, quận 5. Theo sách, thời kỳ này, nghệ thuật hát bội thường trình diễn các tuồng tích Tàu như "Phụng Nghi Đình", "Tiết Đinh San chinh Tây", "Xử án Bàng Quý Phi" và nhiều tác phẩm Việt kinh điển như "San Hậu" (khuyết danh), "Kim Thạch Kỳ Duyên" (nhà thơ - soạn giả Bùi Hữu Nghĩa). Địa điểm này những năm 1970 được chuyển đổi công năng thành kho bạc và nay là chi cục thuế quận 5.Một số tiệm bán vải của người Ấn tại Rue des Jardins (nay là đường Nguyễn Thi, quận 5) - khu vực buôn bán sầm uất của Chợ Lớn xưa.Không khí mua sắm ở cuối đường Nguyễn Thi xưa.Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở cầu Mống - một trong những cây cầu cổ nhất của thành phố, bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. Cầu đậm nét phương Tây, do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư, công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894.Ga lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đầu thế kỷ 20, nay là công viên 23/9 (quận 1). Ga thứ nhất là Chợ Lớn Mới, nằm bên hông chợ An Đông (quận 5) ngày nay, ga cuối là Mỹ Tho. Ra đời năm 1881, nơi đây là tuyến đường sắt đầu tiên trong nước, góp phần thay đổi tư duy giao thông của người Việt lúc đó - vốn quen thuộc với hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền. Trong sách "Sài Gòn năm xưa", học giả Vương Hồng Sển ghi lại nhiều câu thơ truyền miệng, ca dao liên quan đến tuyến xe lửa này, như "Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu".Mai Nhật Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM cung cấp