Tôi sinh ra ở nông thôn, là học sinh trường làng trong suốt 12 năm đèn sách. Quê tôi nghèo, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nên việc tách lớp chuyên toán, chuyên văn là một điều kiện còn xa vời. Tôi còn nhớ, chỉ có một lớp học sinh giỏi duy nhất được mở để chuyên dạy sách nâng cao các môn văn, toán, mỹ thuật. Tôi được chọn vào lớp học đặc biệt đó. Tôi học khá môn tiếng Việt, chỉ duy nhất một môn học này. Suốt 5 năm học tiểu học, tôi chẳng đạt được thành tích nào đáng để kể lại. Học bạ của tôi không đẹp một chút nào. Thậm chí, tôi còn bị cô chủ nhiệm phê bình hoặc khen ngợi theo một cách nào đó rất riêng, “Học tốt môn tiếng Việt. Có khả năng sáng tạo độc đáo. Tuy nhiên, cần cố gắng rèn chữ viết”.
Khi học lên bậc trung học cơ sở, tôi đã vượt qua kỳ thi sát hạch để được chọn vào lớp chuyên văn. Cô giáo chủ nhiệm của tôi đồng thời là giáo viên phụ trách môn văn thường cho mượn sách tham khảo và giao bài tập, để chúng tôi rèn luyện tay viết khi ở nhà. Tôi đã đọc một cách rất say sưa, nhưng chẳng bao giờ lặp lại những gì một cuốn văn mẫu đã được xuất bản. Tôi độc lập trong suy nghĩ, cũng như không ngần ngại đưa ra những sáng tạo riêng biệt. Một mình tôi từng “đấu tranh” với quan điểm của cô giáo và 43 thành viên trong lớp. Đó là một buổi tranh luận căng thẳng trong giờ trả bài và chữa bài kiểm tra trên lớp.
Dù chỉ nhớ lại câu chuyện một cách rất mơ hồ, nhưng tôi chẳng bao giờ quên được vẻ mặt đỏ gay của một cô học sinh lớp 6 khi tự biện giải câu trả lời thiểu số của mình là đáp án đúng. Tuy nhiên, khó khăn của tôi đã trở lại khi chúng tôi phải chép bài theo lời giảng bài của thầy cô. Những con chữ “gà bới” lại tìm đến tôi như một người bạn tri kỷ. Cô giáo của tôi tiếp tục gửi “báo động đỏ”: “Nếu không rèn chữ viết, em sẽ mất đi rất nhiều cơ hội. Thậm chí em không thể tự tin đứng trên giảng đường khi học sinh phía dưới không đọc được chữ viết trên bảng”.
Năm tôi học lớp 12, một cô giáo già được mời đến dạy thay cho cô giáo phụ trách môn văn nghỉ sinh em bé. Sự thay đổi giáo viên giảng dạy gây cho chúng tôi không ít khó khăn. Tôi chỉ thấy cô giáo mới ngồi một chỗ cố định trên bục giảng. Mắt chăm chăm nhìn vào bài giáo án cũ đã soạn từ nhiều năm trước. Thỉnh thoảng, những ngón tay màu xám tro, khẳng khiu như những mẩu củi khô đưa lên vén tóc hoặc kéo trễ gọng kính mắt, mắt cô đảo mắt một vòng quanh lớp như để chắc chắn rằng học sinh vẫn chưa ai bỏ đi đâu.
Trong giờ nghỉ giải lao sau tiết học, đám chúng tôi túm năm tụm ba lại bàn tán sôi nổi về giáo viên mới. “Cô ấy chẳng hề soạn lại giáo án”. “Cô ấy không thoát ly khỏi bài giảng soạn sẵn một tí nào”. “Chắc chỉ đáp án của cô ấy là đúng nhất thôi. Chúng ta không có quyền được sáng tạo hay đưa ra quan điểm cá nhân”. Mọi ý kiến đưa ra đều tồi tệ hết sức. Tôi cũng hưởng ứng bằng một tiếng thở dài ngao ngán.
Như các năm trước, trường phát động phong trào thi đua học tốt. Tôi đã sẵn sàng trong tư thế được “nhặt” vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi văn. Chắc chắn là thế! Sau hơn 2 tháng ôn luyện miệt mài, tôi rèn cho mình kỹ năng sàng lọc những hình ảnh so sánh đã được tái sử dụng nhiều lần, gác mái những cuốn sách tham khảo vì rằng tôi đã gần như học thuộc lòng chúng.
Đến ngày chọn ra người thay mặt trường dự thi học sinh giỏi môn ngữ văn, tôi không khỏi háo hức như danh hiệu bao nhiêu năm lặp lại. Đám bạn thân tung hô tôi trong khi kết quả chưa được công bố. Đinh Thu Thảo là cái tên được xướng lên. Tôi bỏ dở buổi chào cờ đầu tuần vì thất vọng trong khi cả lớp xôn xao như bàn thắng bóng đá thuộc về đội bạn. Tôi suy sụp đến nỗi không buồn vào lớp học giờ văn, cũng không đến lớp học thêm, không chú ý trong nhiều môn học. Cô tìm gặp tôi sau tiết dạy cuối cùng của tuần học. “Giá như em có thể vừa học tốt, vừa viết chữ đẹp. Cố lên, em sẽ có được cơ hội trong những lần sau”, cô đã nói như vậy.
Một buổi sáng trên giảng đường đại học, tôi cảm thấy mất tập trung khi giọng giảng bài của mình rời rạc và khô cứng trong lúc những slide vẫn chuyển động trên màn chiếu. Tôi bỗng thèm được nghe tiếng di phấn trên tấm bảng chống lóa. Chuông reo báo hết tiết dạy, tôi cất laptop vào trong cặp xách, lao ra ngoài như có lực hút nào đó hấp dẫn mình. Tôi không ngừng nghĩ đến năm tháng đã qua, và lời báo động đỏ của những người thầy đáng kính. Tôi đi lang thang một vài nơi quanh khuôn viên của trường khi trong đầu không ngừng suy nghĩ: Trong lịch sử truyền đạt thông điệp, chữ viết bằng bảng phấn, bút bi có trước những con chữ được đánh máy. Nét chữ nết người, những con chữ vẫn không ngừng lay động suy nghĩ kể cả khi tôi đã là một người thầy.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Chu Thị Trang