Ngọn núi cao nhất thế giới. Ảnh: Famouswonders.com. |
Đỉnh núi Everest được xem là nóc nhà của thế giới, nằm trên khu vực biên giới giữa hai nước Trung Quốc và Nepal.
Chiều cao của Everest được chấp nhận phổ biến lâu nay là 8.848m. Con số này lần đầu tiên được Ấn Độ đưa ra trong cuộc khảo sát năm 1955. Nhưng đến nay, Trung Quốc và Nepal đang có bất đồng về con số này.
Người Trung Quốc cho rằng, đỉnh Everest phải được tính dựa trên chiều cao của đá. Còn theo Nepal, nên đo theo chiều cao của đỉnh tuyết, tức là cao hơn đá 4 m.
Năm ngoái, cả Trung Quốc và Nepal đều nhất trí chiều cao của Everest là 8.848m. Nhưng phát ngôn viên của chính phủ Nepal Gopal Giri nói với AFP rằng, trong các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai nước, các quan chức Trung Quốc thường sử dụng chiều cao của đá.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu đo lại để làm rõ sự nhầm lẫn này. Công nghệ và nguồn nhân lực hiện nay cho phép chúng tôi có thể tự đo lấy. Đây là lần đầu tiên chính phủ Nepal đo chiều cao của ngọn núi", ông Gopal Giri nói.
Ông cũng cho biết, Nepal sẽ thiết lập các trạm đo đạc tại ba địa điểm khác nhau bằng cách sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), công việc này có thể sẽ mất 2 năm.
Đã có hàng nghìn người lên đỉnh núi Everest kể từ khi Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary lần đầu tiên chinh phục nó vào năm 1953. Nhưng chiều cao chính xác của đỉnh núi vẫn còn là vấn đề tranh cãi từ lần đo đầu tiên năm 1856.
Theo các nhà địa chất, dự đoán của cả Trung Quốc và Nepal về chiều cao đỉnh Everest có thể đều sai. Họ nói rằng ngọn núi cao nhất thế giới đang trở nên cao hơn khi Ấn Độ bị đẩy xuống thấp hơn Trung Quốc và Nepal vì sự dịch chuyển của các mảng lục địa.
Tháng 5/1999, nhóm nhà khoa học Mỹ đã sử dụng công nghệ GPS ghi nhận chiều cao của Everest là 8.850m. Con số này được Hội địa lý quốc gia Mỹ sử dụng, còn Nepal không công nhận.
Trang Nguyên