Tôi mới tham gia chứng khoán hơn 1 tháng, kinh nghiệm không nhiều, chủ yếu đầu tư theo lời khuyên của bạn bè. Tôi vào tiền nhóm bluechip (chia đều cho nhóm bất động sản và bán lẻ) hơn 100 triệu và mới có lãi khoảng 5%.
Bạn bè tôi đang khuyên vào tiền cho cổ phiếu dệt may vì nhóm này đang vào "thời kỳ hoàng kim" nhờ hưởng lợi của dịch bệnh. Tôi băn khoăn có nên buông các mã bluechip để chuyển sang dệt may không, vì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này được dự đoán sẽ khó khăn trong và sau mùa dịch. Hoặc một trường hợp nữa là tôi có nên rút tiết kiệm khoảng 50 triệu để thêm vào tài khoản, mua cổ phiếu dệt may không?
Đình Lợi, Đồng Nai
Chuyên gia trả lời:
Trước hết, cần khẳng định doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực chứ không được hưởng lợi từ Covid-19. Nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may chính của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản suy giảm mạnh do dịch bệnh bùng phát. Các lệnh cách ly xã hội, hạn chế đi lại và đóng cửa nhà máy, cửa hàng khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhu cầu trong nước cho các sản phẩm may mặc cũng giảm. Điển hình như trong quý I, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương Mại (TCM) ước tính doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 19% và 50% xuống 33,2 triệu USD và 1,4 triệu USD.
Quan điểm cho rằng cổ phiếu dệt may được hưởng lợi vì dịch bệnh có thể đến từ việc sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, hoạt động này lại chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may. Yếu tố hưởng lợi cũng chỉ mang tính chất thời vụ, ngắn hạn trong thời điểm dịch bệnh. Việc các doanh nghiệp đầu tư để sản xuất khẩu trang quy mô lớn cũng nảy sinh rủi ro khi nhu cầu giảm mạnh sau dịch.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cổ phiếu dệt may không hấp dẫn. Sau khi nhiều cổ phiếu đã giảm sâu về các vùng định giá tương đối hấp dẫn thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể giải ngân thêm cho nhóm này. Ngoài ra, hàng may mặc cơ bản có thể được xem là tiêu dùng tương đối thiết yếu nên nhu cầu đối với các thị trường ảnh hưởng trong lúc dịch bùng phát, nhưng sau đó sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Về chiến lược đầu tư, việc bán các mã bluechip đang nắm giữ và chuyển sang mua cổ phiếu ngành dệt may thì cần xét đến nhiều yếu tố khác như danh mục đã đến điểm hợp lý để bán chưa, các cổ phiếu còn dư địa tăng nhiều không, rủi ro của các cổ phiếu đó cao hay thấp...
Cổ phiếu bluechip có đặc điểm chung là thanh khoản cao. Các doanh nghiệp có quy mô vốn hoá lớn, được đánh giá rủi ro hoạt động ở mức trung bình trở lên. Việc đầu tư vào bluechip trong giai đoạn bình thường sẽ không có rủi ro lớn bởi biến động các mã này tương đối ổn định.
Tuy nhiên, giữa đợt dịch hiện nay, chiến lược này tương đối rủi ro nên nhà đầu tư có thể bán một phần (khoảng 15-20%) và chuyển sang nắm giữ một số cổ phiếu dệt may mà có định giá hấp dẫn. Điều này giúp nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục, tránh rủi ro quá tập trung vào hai ngành chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh là bất động sản và bán lẻ.
Việc rút thêm 50 triệu tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng hiện tại của danh mục và khẩu vị rủi ro ở mức nào. Nhà đầu tư nên có kế hoạch về danh mục đầu tư đa dạng và tập trung vào các kênh an toàn như tiền mặt, gửi tiết kiệm và vàng. Kênh đầu tư chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cơ hội cũng đang xuất hiện rất nhiều, tỷ trọng đầu chứng khoán nên trong khoảng 20-40% danh mục đầu tư hiện tại. Nếu nhà đầu tư còn trẻ, độc lập về tài chính và các khoản chi tiêu thiết yếu ít thì hoàn toàn có thể tăng tỷ trọng danh mục đầu tư chứng khoán lên mức cao hơn.
Nguyễn Đức Hoàng
Chuyên viên chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt