Bảy năm trước, khi Li Ming chuyển đến sống tại Thâm Quyến, là thời gian các dịch vụ phát trực tuyến bắt đầu phát triển ở Trung Quốc. Nhưng khi đó, nếu chỉ sử dụng dịch vụ streaming video qua Internet để giải trí thì khá bất tiện. Vì vậy, Ming đã đăng ký gói truyền hình cáp vốn được sử dụng rộng rãi tại nhiều vùng ở Trung Quốc.
Giờ mọi chuyện đã khác. "Thời nay ai còn dùng truyền hình cáp nữa. Mọi người thích xem trên điện thoại, máy tính bảng bằng các dịch vụ streaming, thậm chí bà tôi cũng sử dụng streaming", Ming nói.
Xu hướng bỏ thuê bao truyền hình ngày càng được nhiều người Trung Quốc lựa chọn bởi sự tiện dụng và độ ổn định của các dịch vụ thay thế. Theo GlobalData, đến năm 2021, số lượng người dùng IPTV sẽ vượt qua số thuê bao của các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. IPTV là dịch vụ khá giống truyền hình cáp nhưng phát nội dung nhờ vào giao thức Internet thông qua hạ tầng mạng.
Một số người thích IPTV vì sự tương đồng với dịch vụ truyền thống, nhưng giới trẻ ngày nay chuộng nội dung trên các nền tảng streaming hơn. Việc phải phụ thuộc vào chiếc TV để xem phim không còn xảy ra ở thời đại này nữa. Nhiều người thích xem bằng điện thoại lúc đang di chuyển, xem trên tablet lúc nằm nghỉ ngơi trên giường, còn xem TV chỉ khi nào thuận tiện.
"Hiện gia đình tôi không đăng ký dịch vụ truyền hình. TV của tôi có kết nối Wi-Fi nên tôi chỉ việc truyền hình ảnh các show yêu thích từ điện thoại lên màn hình lớn", Ming nói. Cô chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ streaming từ năm 2014, tuy nhiên, cô luôn coi mình là người đi sau trong xu hướng này. "Đồng nghiệp tôi đã sử dụng dịch vụ của LeTV hay Xiaomi được một thời gian rồi trong khi tôi vẫn xem truyền hình cáp bởi vì lười thay đổi và chưa hiểu giao diện ứng dụng mới".
Năm Ming sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến cũng là lúc ngành công nghiệp truyền hình chứng kiến những thay đổi lớn về chính sách. Chính quyền Trung Quốc năm 2014 thông qua luật cho phép các công ty tư nhân đấu giá để có bản quyền các sự kiện thể thao nước ngoài, như Thế vận hội và World Cup. Sự kiện đã thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi cho các dịch vụ phát trực tuyến, hay trong ngành được gọi là dịch vụ OTT, vì chạy nhờ đường truyền Internet.
Adrian Tong, nhà phân tích cấp cao tại Media Partners Asia, cho biết: "Số lượng sự kiện thể thao được phát sóng bởi các ứng dụng OTT đang cao hơn truyền hình cáp. Sau khi được tạo điều kiện về mặt pháp lý, nhiều công ty truyền thông đã chi hàng tỷ USD để có thể độc quyền các sự kiện thể thao quốc tế tại Trung Quốc". Giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề NBA đã thu hút 800 triệu người xem tại nước này trong mùa giải 2018 - 2019. Năm ngoái, Tencent đã trả 1,5 tỷ USD cho 5 năm bản quyền tiếp theo nhằm giữ chân những tín đồ cuồng nhiệt của giải đấu NBA.
Việc thay đổi quy định của chính phủ đóng vai trụ cột giúp các dịch vụ streaming ở Trung Quốc phát triển mạnh những năm gần đây. Nhiều người chuyển sang dịch vụ stream video không hẳn vì rẻ hơn. Một dịch vụ truyền hình cáp tại Trung Quốc thường có giá từ 3 đến 4 USD một tháng, trong khi đó, một dịch vụ streaming cũng tốn khoảng 3 - 5 USD một tháng.
Khác với những nước phương Tây, người dùng bỏ dịch vụ thuê bao truyền hình để tiết kiệm tiền do thuê bao truyền hình cáp ở đây tới 200 USD một tháng. Lý do người Trung Quốc đến với truyền hình cáp vì chỉ có những đơn vị này mới trực tiếp các giải đấu thể thao. Tuy nhiên, khi phần lớn sự kiện ngoài trời đều bị hủy như hiện nay, số người quyết định bỏ truyền hình cáp đã tăng lên nhanh chóng.
Điều này không có nghĩa dịch vụ video trực tuyến có thể thay thế hoàn toàn truyền hình cáp ở Trung Quốc. Một số nội dung vẫn chỉ được chiếu trên các kênh TV truyền thống. "Nếu muốn xem các chương trình thể thao trên kênh CCTV5 hay tin tức trên kênh của địa phương, không có cách nào khác ngoài TV truyền thống", Yiming Zhang, một phiên dịch viên 33 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết. Cha mẹ cô vẫn sử dụng truyền hình cáp ở nhà.
Tuy nhiên, với những người trẻ, đó không phải là vấn đề. Họ có thể xem các kênh TV trên nhiều ứng dụng OTT và cập nhật tin tức qua Toutiao, ứng dụng tin tức số một của Trung Quốc. Giống các nền tảng của Mỹ, các dịch vụ phát trực tuyến của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào phát triển nội dung mới. Covid-19 cũng giúp các nền tảng này thu hút rất nhiều người xem với những sự kiện như liên hoan phim ảo, trình chiếu những bộ phim mới mà không thể ra rạp vì dịch bệnh.
Trung Quốc hiện có 850 triệu người sử dụng các dịch vụ phát trực tuyến. Tổng số tài khoản trả phí của iQiyi, Tencent Video, Youku và Bilibili lên 339 triệu, gần bằng dân số của Mỹ.
Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực phát trực tuyến ở Trung Quốc có thể hạ nhiệt khi Tencent đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần của iQiyi. Mặc dù vậy, theo GlobalData, doanh thu từ dịch vụ streaming ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ hàng năm là 1,2% trong những năm sắp tới. Đây có lẽ sẽ là xu hướng chung ở cả Trung Quốc và Mỹ. Hiện tại cả hai nước đang chứng kiến thời kỳ vàng của các dịch vụ phát trực tuyến với các nội dung đa dạng.
Thực tế, việc kiếm tiến từ các nội dung này là câu chuyện khác. Nhiều công ty streaming của Mỹ đang gánh khoản nợ khổng lồ, hậu quả sau cuộc đua phát triển nội dung mới. Nội dung với chi phí sản xuất cao sẽ khiến giá thuê bao tăng theo, làm mất thế cạnh tranh với dịch vụ truyền hình cáp. Trong khi giá thành các dịch vụ streaming còn đang rẻ như hiện nay, hãy thưởng thức trước khi quá muộn.
Đăng Thiên (theo SCMP)