Cùng học ra đời trong bối cảnh giáo viên đang gặp rất nhiều áp lực trong việc thích ứng với sự thay đổi liên tục của thời đại Internet và ảnh hưởng từ Covid-19. Một số chương trình quốc tế trở thành giải pháp cấp bách nhưng còn hạn chế về yếu tố gắn kết về mặt văn hóa. Do đó, các giáo viên chưa đủ năng lực về chuyên môn sư phạm cũng như khả năng ngoại ngữ trở nên lạc lõng và bối rối trước luồng thông tin vô hạn trên không gian mạng.
Từ đó, nhóm trí thức trẻ gồm các thành viên: Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Huỳnh Anh, Phạm Minh Anh, Hồ Tường Linh, cùng đồng đội đã cho ra đời dự án "Cùng học" nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Trưởng nhóm dự án - anh Hoàng Anh Đức là chuyên gia nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy và học, phát triển năng lực lãnh đạo trường, bất bình đẳng trong giáo dục.
Nội dung chính của Cùng học bao gồm các bài học thiết kế xoay quanh ba trụ cột: cách học, dạy và thiết kế sư phạm. Giáo viên từ khắp nơi có thể đăng ký học tập miễn phí trên nền tảng này. Mỗi bài học cô đọng 3-5 phút với ít nhất một kiến thức có thể áp dụng ngay vào thực tế. Đồng thời, các khóa học này không giới hạn số lượng người học.
"Ưu điểm của nền tảng này là dung lượng bài học nhỏ, cập nhật liên tục, có thể học qua nhóm và hội thảo cùng chuyên gia; nội dung dễ hiểu, áp dụng và hình thành thói quen học tập. Với tính cá nhân hóa, giáo viên triển chuyên môn của bản thân", anh Hoàng Anh Đức chia sẻ.
Biết đến "Cùng học" qua mạng Internet trong quá trình tìm kiếm tài liệu, anh Nguyễn Hoàng Mạnh (tỉnh Thanh Hóa) đánh giá "Cùng học" là một giải pháp tốt giúp bản thân nâng cao năng lực giảng dạy. Khi có thời gian, anh từng học liên tục, bất kể ngày nghỉ. Sau mỗi bài học, nam giáo viên áp dụng luôn vào lớp đang giảng dạy, sau đó, chia sẻ lại cho đồng nghiệp.
"Các bài học được nhóm dự án thiết kế ngắn gọn, khoa học và có thể thực hành được ngay. Rất đông bạn bè đồng nghiệp của tôi trên cả nước cũng đã biết đến dự án này và đều cảm thấy hữu ích", anh Mạnh nói thêm.
"Cùng học" là một trong năm công trình xuất sắc của cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2021 do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ tổ chức. Tham gia cuộc thi, nhóm tác giả dự án cho biết đây là cơ hội để họ thể hiện năng lực chuyên môn, ý tưởng sáng tạo, có thêm sự kết nối, gia tăng năng lượng làm việc, cống hiến.
Năm 2021, "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã quy tụ 1.555 công trình là sáng kiến của 827 tác giả và nhóm tác giả. Đồng hành cùng cuộc thi trong 6 năm, ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết đơn vị luôn dốc sức để đóng góp cho ngành giáo dục vì tin rằng ngành sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho xã hội.
Theo ông, Tập đoàn Thiên Long hướng tới hỗ trợ con người, giải quyết những vấn đề cụ thể. Ví dụ, hàng năm, ngoài hướng đến trí thức trẻ, đơn vị tôn vinh các thầy cô giàu nghị lực đang dạy học ở vùng sâu vùng xa, hỗ trợ các thí sinh thi đại học qua chương trình "Tiếp sức mùa thi" và tăng cường giáo dục về ý thức môi trường cho học sinh.
Thiên Minh