Với tầm nhìn xa trông rộng, Bill Gates nhận ra máy tính cá nhân sẽ bao phủ khắp mọi gia đình. Microsoft sau đó cho ra mắt hệ điều hành Windows, nền tảng thống trị thị trường máy tính cá nhân kể từ khi ra đời đến nay.
Google của Larry Page và Sergey Brin cũng là một ví dụ tương tự. Chỉ với ý tưởng về nền tảng giúp mọi người có thể tìm kiếm dễ dàng hơn, họ đã tạo ra cả đế chế Google thống trị mạng Internet ngày nay. Hay gần đây nhất, Mark Zuckerberg, một trong những nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, cũng hình thành công ty tỷ đô từ suy nghĩ làm sao để mọi người kết nối được với nhau tốt hơn trên Internet.
Những tỷ phú đôla ngành công nghệ đều có một điểm chung là tầm nhìn xa để biến những ý tưởng dù đơn giản trở thành nền tảng mà hàng tỷ người dùng Internet sử dụng. Nói cách khác, người thành công trong lĩnh vực công nghệ là người biết tạo ra nền tảng phù hợp nhu cầu thị trường, tạo xu hướng mới cho người tiêu dùng.
Ngày nay, Internet of Things (IoT - Internet của vạn vật) có thể sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi "Đâu là nền tảng tiếp theo trên Internet?". Với sự phát triển của Internet, smartphone và đặc biệt là các thiết bị cảm biến, IoT đang trở thành xu hướng mới của thế giới. IoT bao gồm các vật dụng có khả năng kết nối Internet, từ ổ khóa thông minh, đèn hành lang tự động đến điều hòa...
Nhờ có cảm biến và mạng Internet, các thiết bị này kết nối với nhau. Người dùng vào nhà, mở khóa cửa, đèn sẽ tự động sáng chỗ đang đứng, điều hòa sẽ tự động điều chỉnh nhiệt độ, nhạc sẽ bật để chào đón chủ nhà… Những điều chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, đang dần trở thành hiện thực với công nghệ IoT.
Để các thiết bị vận hành, bên trong chúng đều có những bộ vi xử lý SOC. Không như những bộ vi xử lý thông thường, SOC thực chất là một máy tính trọn vẹn được thu gọn trong hình hài của một con chip điện tử, có kết nối không dây và phải đảm bảo tiết kiệm điện. SOC rất phổ biến trong các linh kiện điện thoại. Dù nhỏ gọn, sức mạnh của các vi xử lý này đủ vận hành trơn tru những hệ điều hành nặng.
Theo dự báo của IDC, thị trường IoT sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2020. Không ít doanh nghiệp lớn đã nhìn thấy tiềm năng của IoT và mạnh dạn đầu tư vào đây. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ công nghệ mới nào, IoT sẽ cần một nền tảng để vận hành. Và ai tạo ra được nền tảng dẫn đầu, họ sẽ là người chiến thắng trong xu hướng mới này.
Có 2 đặc điểm mà một thiết bị IoT rất cần là khả năng kết nối mạng không dây và tiết kiệm điện năng do các thiết bị này đa phần có kích thước nhỏ.
Trong số các hãng công nghệ, Samsung với ưu thế sẵn từ mảng sản xuất linh kiện bán dẫn, lại chuyên về linh kiện cho smartphone. Hãng điện tử này đang nỗ lực làm chủ sân chơi IoT thông qua dự án mang tên Artik.
Cũng giống như Microsoft, Google hay Facebook thành công từ việc sáng tạo ra những nền tảng mới, dự án Artik của Samsung ra đời cũng có mục đích tương tự. Artik phát triển một thế hệ máy tính điện tử có kích thước siêu nhỏ và tiêu tốn ít năng lượng. Với 3 loại Artik 1, Artik 5 và Artik 10, các máy tính đều có kích thước siêu nhỏ nhưng đều kết nối dễ dàng qua Bluetooth và chip xử lý mạnh mẽ.
Artik 1 có kích thước bằng cái móng tay, nhưng trang bị chip xử lý dual-core 250 Mhz, 4MB bộ nhớ flash, cảm biến chuyển động và kết nối Bluetooth tiết kiệm điện năng. Trong khi đó, Artik 10 sở hữu một bộ xử lý Octacore 1,3Ghz, 2GB DRAM và 16GB bộ nhớ Flash, xử lý hình ảnh HD và âm thanh 5.1. Với việc tung ra 3 loại máy tính từ thấp đến cao, Samsung đang muốn bao thầu trọn vẹn thị trường IoT.
Samsung sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Linux cho các máy tính siêu nhỏ này. Đây được dự báo sẽ trở thành nền tảng vàng cho những người thích khám phá, tìm hiểu và xây dựng công nghệ, tương tự như những gì hệ điều hành Android đã làm trên smartphone.
Để thúc đẩy cộng đồng các nhà phát triển làm việc nhiều hơn trên nền tảng của mình, mới đây, hãng công bố một cuộc thi mang tên Samsung Artik Challenge với giải thưởng lên tới 210.000 USD dành cho những nhà phát triển có thể sử dụng công nghệ IoT và nền tảng Artik.
Thế hệ của những nền tảng siêu nhỏ và Internet đang biến những ý tưởng sáng tạo không tưởng thành hiện thực. Boogio, đôi giày thông minh có lắp một cảm biến siêu mỏng và máy tính Artik để lưu dữ liệu của người dùng. Người dùng có thể tính toán được hôm nay đã chạy bao nhiêu bước, luyện những bài tập nào, đốt cháy bao nhiêu calo và đo chỉ số sức khỏe của bản thân. Đôi giày này còn có khả năng kết nối với smartphone và đồng hồ thông minh, từ đó xuất ra những dữ liệu chính xác nhất cho người dùng.
Weenat, một sản phẩm khác thì lại dựa trên ý tưởng tiết kiệm nước. Với 70% nguồn nước con người dùng là để canh tác nông nghiệp, Weenat sẽ sử dụng các cảm biến về độ ẩm, kết hợp với hệ thống các máy tính siêu nhỏ để tính toán độ ẩm và các quyết định canh tác phù hợp. Hệ thống cảm biến hoạt động không dây, được đặt trực tiếp trên các cánh đồng và có vòng đời rất dài, sẽ giúp những người nông dân tiết kiệm tối đa nguồn nước dùng cho tưới tiêu.
Mục tiêu của Samsung là biến Artik trở thành hệ sinh thái chung cho tất cả các thiết bị IoT sau này. Năm 2014, hãng mua lại công ty IoT SmartThings với giá 200 triệu USD. Hãng này cũng đang phát triển những dòng sản phẩm có vi xử lý bên trong màn hình LCD hay TV.
Thu Ngân