Dẫn đầu vòng đầu tư này là quỹ TNB Aura trụ sở tại Singapore. Tham gia rót vốn còn có TKG Taekwang và IBK-STIC Pioneer Fund trụ sở tại Hàn Quốc, cùng các nhà đầu tư vòng trước như Do Ventures, BAce Capital, và Vulpes Ventures.
Vuihoc đang có hơn 1,1 triệu người dùng là học sinh Việt Nam từ lớp 1 tới lớp 12. Nền tảng cung cấp kho học liệu hơn 500.000 bài giảng dưới nhiều hình thức và bám theo chương trình giáo dục quốc gia. Học sinh có thể học qua các bài giảng video, hoặc học gia sư 1-1. Gần đây, họ cùng tung ra mô hình lớp học livestream quy mô lớn nhằm tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Ông Đỗ Ngọc Lâm, CEO Vuihoc cho biết sẽ dùng nguồn vốn mới để tiếp tục cải tiến sản phẩm và đẩy mạnh việc khai thác công nghệ AI để mang lại trải nghiệm học tập cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng học sinh. Charles Wong, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành TNB Aura, cho biết quỹ này đánh giá cao hạ tầng công nghệ startup này, cho phép công ty triển khai mô hình dạy học trực tuyến trên quy mô lớn, thu hút các giáo viên uy tín.
Giữa lúc kinh tế và thị trường khởi nghiệp biến động, lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) Việt Nam vẫn thu hút đầu tư khả quan. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, số tiền đầu tư vào EdTech đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022, theo số liệu từ "Báo cáo Đầu tư Công nghệ & Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023".
Trong khi đó, theo nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức), thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đạt quy mô khoảng 328,2 triệu USD vào năm 2023. Thị trường này dự báo tăng trưởng 10,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2027, đạt quy mô 487,6 triệu USD đến năm 2027.
Viễn Thông