Theo ông Trần Mạnh Thắng, CEO Clevai, giáo viên nên tập trung vào chuyên môn, để đem đến những bài giảng hay nhất. "Những việc như theo sát lớp, phân tích học sinh có tập trung hay không, giao bài tập theo đúng năng lực nên để dành cho hệ thống AI", ông nhấn mạnh.
Clevai và nền tảng học Toán trực tuyến Cleavai Math ra mắt từ tháng 3/2020 bởi ông Thắng và hai nhà đồng sáng lập. Là học sinh chuyên Toán THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), Thạc sĩ ngành Toán - Tin (Đại học Bách Khoa Hà Nội), ông luôn giữ đam mê với môn học này và tư duy logic. Đồng thời, sau 15 năm hướng tới phân khúc người dùng trưởng thành, ông quyết tâm phát triển ứng dụng cho trẻ em khi trở thành một người cha.
Cleavai Math có lớp 'DILIVE' - hai thầy một trò với đội ngũ giáo viên từ trường chuyên, các đơn vị top đầu trong và ngoài nước. Ông Thắng cho biết, nền tảng luôn hướng tới giải bài toán dạy Toán đúng năng lực học sinh, hay còn gọi là "Phân lớp theo trình độ - Học theo năng lực". Việc làm bài tập quá dễ hay khó so với năng lực sẽ khiến học sinh nhanh nản.
Theo đó, hệ thống AI của Clevai có khả năng phân tích lịch sử học tập của từng học sinh, tìm ra lỗ hổng kiến thức. "Từ đó, ứng dụng đưa ra lộ trình học cá nhân hoá và kết hợp phương pháp sư phạm 'DIGAMP' để học sinh học đúng năng lực"- ông Trần Mạnh Thắng nói thêm.
Cùng với việc liên tục thử nghiệm các dự án nội bộ ứng dụng AI, Clevai còn phối hợp với các công ty từ Mỹ, trong đó có Earable, để nghiên cứu về công nghệ sóng não, giải pháp đo lường và tăng sự tập trung cho học sinh.
Theo CEO Clevai, công ty đặt mục tiêu tạo cơ hội sử dụng sản phẩm công nghệ giáo dục đẳng cấp quốc tế và công nghệ hiện đại cho trẻ em Việt. Khác biệt lớn nhất của AI là có thể thu thập dữ liệu lớn về lịch sử hành vi của người dùng. "Nếu như trên một nền tảng, toàn bộ lịch sử tương tác từ lúc bắt đầu đều được ghi lại, AI có thể phân tích và hiểu sâu hơn năng lực toán học của mỗi học sinh", Thắng khẳng định.
Bên cạnh công nghệ và đội ngũ giáo viên từ trường chuyên, Clevai còn có cố vấn là PGS.TS. Vũ Ngọc Tâm - Đại học Oxford (Mỹ), PGS.TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng - Giám đốc Viện nghiên cứu VinAI, chuyên gia Google Deepmind.
Để thu hút những cố vấn quốc tế, ông Thắng đã tìm cách kết nối và tạo cảm hứng cho họ về giải pháp chuyên môn và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Khi nói chuyện với các cố vấn, ông còn cố gắng truyền cảm hứng về sứ mệnh tạo ra những giá trị tốt hơn cho xã hội.
"Người tài sẽ gắn bó với công ty khi được trực tiếp tạo ra một sản phẩm giải quyết vấn đề lớn của cộng đồng và nhận thưởng xứng đáng", ông quan niệm.
CEO Clevai cho biết thêm, hiện tại, Chính phủ đang tạo điều kiện tốt cho các startup trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là edtech. Do đó, thời điểm hiện tại là cơ hội để các công ty như Clevai nỗ lực. Tháng 9/2021, đơn vị đã gọi vốn thành công 2,1 triệu USD từ quỹ đầu tư Altara Ventures (Singapore).Trong 5 năm tới, công ty dự kiến mở rộng ra Đông Nam Á và trở thành Top 5 hệ sinh thái đào tạo trực tuyến tại khu vực với sứ mệnh giúp 22 triệu học sinh tư duy tốt hơn.
Ngoài ra, để hỗ trợ những cá nhân và doanh nghiệp quan tâm và đang hoạt động về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam như ông Trần Mạnh Thắng và Clevai, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi xướng "Mạng lưới Hợp tác về Trí tuệ nhân tạo Việt - Australia". Bước đầu, mạng lưới này sẽ tạo cơ hội cho các thành viên hợp tác với đối tác của Australia và cập nhật tình hình trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước. Sau đó, tổ chức này sẽ mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia khác và hướng tới xây dựng một cộng đồng AI bền vững với nhiều hoạt động phát triển ngành khoa học máy tính.
Thiên Minh