Tại hội nghị gặp gỡ các hãng taxi tuần này, ông Lê Tánh, Tổng giám đốc VNPay, đánh giá trên thế giới xu hướng gọi xe công nghệ qua các ứng dụng đã phát triển mạnh, thay đổi cách người dùng tiếp cận dịch vụ di chuyển, với một số tên tuổi nổi tiếng như Uber, Lyft, Grab, DiDi. Điều này, theo ông là thách thức với ngành taxi truyền thống trên toàn thế giới.
Tuy nhiên tại Việt Nam, đại diện VNPay cho rằng ngành taxi đã "giữ vững được vị thế và chuyển mình phát triển bền vững" thông qua chuyển đổi số. Minh chứng được thể hiện qua việc ứng dụng công nghệ để quản trị, vận hành, cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Ông Tánh cũng nhắc đến việc người dùng hiện nay đã có thể gọi xe trực tiếp từ các ứng dụng ngân hàng.
"Đây là một dịch vụ độc đáo và mang tính tiên phong, chưa từng xuất hiện trên thị trường quốc tế" ông Tánh nói.
Lý giải rõ hơn về vấn để này, ông Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối doanh nghiệp VNPay cho rằng các hãng taxi trong nước cũng đang ứng dụng mạnh mẽ việc chuyển đổi số, thể hiện ở việc họ có từ vài chục xe tới hàng nghìn xe đang sử dụng các nền tảng công nghệ để quản lý tài xế, điều xe, quản lý doanh thu. Việt Nam có nhiều nền tảng phục vụ việc này như Ali, Bình Anh, Emddi, VNTaxi.
Tuy nhiên để chuyển đổi số toàn diện, ông Nam nhấn mạnh việc cần ứng dụng công nghệ để mở rộng khách hàng, hỗ trợ người dùng dễ dàng đặt xe, thanh toán. Đây là một trong những lý do đơn vị này xây dựng VNPay Taxi.
Nền tảng hiện được tích hợp trên ứng dụng của nhiều ngân hàng, đồng thời kết nối với mạng lưới gồm 234 hãng taxi tại 54 tỉnh thành. Người dùng khi đến một địa phương có thể lên VNPay hoặc các ứng dụng ngân hàng để đặt xe, kết nối với taxi trong khu vực và việc thanh toán được thực hiện qua tài khoản.
Theo ông Nam, cách làm này giúp các hãng taxi có thể tiếp cận lượng khách hàng của ngân hàng, lên tới khoảng 50 triệu tại Việt Nam. Đây là nhóm khách có mức độ tin cậy cao, thói quen giao dịch thường xuyên.
Ngoài ra, cách này cũng giúp chuyên nghiệp hóa ngành taxi của Việt Nam. "Các hãng taxi có thể tập trung vào lĩnh vực của họ như xây dựng đội ngũ tài xế chuyên nghiệp. Còn doanh nghiệp công nghệ sẽ hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết ngành vận tải, đặc biệt là taxi, vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ từ năm 2014, khi các mô hình mới như taxi công nghệ bắt đầu vào Việt Nam. Từ đó, nhiều doanh nghiệp cũng phải tự thích ứng, thông qua việc xây dựng ứng dụng riêng, đưa chuyển đổi số vào vận hành và việc này được thực hiện mạnh trong khoảng 5 năm gần đây.
Dẫn thống kê Việt Nam có khoảng hai triệu ôtô, trong đó xe hợp đồng khoảng 900.000, và taxi khoảng 100.000, ông Hùng cho rằng taxi là một thị trường có nhiều thách thức, với minh chứng là những đơn vị quốc tế như Uber, Gojek sau một thời gian hoạt động cũng phải rút khỏi Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội Vân tải ôtô Việt Nam, để phát triển hơn, những nền tảng như VNPay Taxi cần đẩy mạnh hoạt động kết nối các hãng, xây dựng một tiêu chuẩn dịch vụ cho taxi khi kết nối vào, đồng thời tăng trải nghiệm của người dùng trong việc đặt xe qua các ứng dụng ngân hàng.
Lưu Quý