Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được.
Hiện nay chưa có quy định nào quy định cụ thể về thời điểm phải nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại nhưng tự nguyện sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm thì có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Với người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù, việc khắc phục hậu quả của tội phạm cũng là một căn cứ để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Theo điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP, một trong các tiêu chí chấp hành hình phạt tù được xếp loại tốt là: Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đối với phạm nhân bị phạt tù ba năm trở xuống là có ít nhất một quý gần nhất được xếp loại khá trở lên.
Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp loại chấp hành án phạt tù, từ đó, có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội