Tôi từng bị nhận giấy phạt lỗi giao thông ở nước ngoài, tôi xin chia sẻ và hiến kế nho nhỏ để giải quyết nạn mãi lộ.
Quan điểm về lỗi vi phạm của mỗi quốc gia mỗi khác, tất nhiên, cách bắt lỗi của cảnh sát giao thông (CSGT) Việt Nam và tây rất khác nhau.
Ở nước ngoài, khi phát hiện lỗi, cảnh sát bật đèn khẩn cấp và đuổi theo. Người bị đuổi theo phải dừng xe lại, không có chuyện cảnh sát đứng chặn ở đầu xe.
Sau khi dừng lại, họ ngồi trong xe, nhìn biển số xe và kiểm tra trên máy tính cảnh sát về thông tin chủ xe, loại xe, bảo hiểm... Vì thế việc xem giấy tờ, bằng lái... chỉ là chiếu lệ và thường thì họ chỉ nhắc nhở.
Có lần tôi bị phạt vì tham gia giao thông mà không có bằng lái, vì đang chờ gửi bằng mới từ Việt Nam sang. Tôi chỉ trình ra được giấy báo chuyển phát của bưu điện. Lần ấy tôi thoát vì được họ tha, dù mức phạt nếu có thì rất cao, họ chỉ nhắc là đi nhận cho sớm.
Cách xử phạt ở mỗi nước cũng có sự khác nhau. Lần khác, tôi nhận vé do chuyển làn sai quy định. Các bước họ làm như sau:
Đầu tiên, họ kiểm tra giấy tờ, sau đó in giấy phạt, ghi rõ lỗi. Khi đưa giấy phạt, tay cảnh sát nói tôi có 30 ngày để khiếu kiện. Thực ra thời hạn này cũng ghi trên giấy phạt rồi.
Giấy phạt gồm các nội dung quan trọng như số hiệu giấy phạt. Số này dùng để tra trên Internet, họ tên, địa chỉ, biển số, lỗi vi phạm, vị trí, mã số người thực hiện, số tiền (gồm tiền phạt cộng thêm các loại phí khác, bằng nửa mức tiền phạt)...
Mặt sau có ghi hướng dẫn cách khiếu kiện và thời hạn khiếu kiện (có thể liên hệ điện thoại, Internet, fax...), cách kiểm tra thông tin phạt trên Internet, cách nộp tiền phạt.
Nếu khiếu kiện, tòa sẽ đặt lịch hẹn đến giải quyết, chỉ chừng 30 phút thôi. Nếu thắng kiện thì không sao, nếu thua thì hơi đau vì phải nộp án phí, khoảng chừng 100 USD. Nếu chấp nhận nộp phạt thì sẽ đi nộp trực tiếp hoặc nộp qua Internet.
Nộp qua Internet thì tiện, chỉ mất thêm 2,5 USD tiền lệ phí. Bạn chỉ việc vào địa chỉ Internet của cảnh sát, nhập mã số giấy phạt là ra được nội dung có trên giấy phạt. Nộp phạt bằng thẻ credit, không dùng được thẻ debit. Ngay sau khi bạn chuyển tiền, tự động nhận được e-mail xác nhận.
Nếu bạn không nộp phạt, họ sẽ gửi thư nhắc nhở sau một tháng. Bình thường không sao, nhưng khi cần việc gì liên quan tới chính quyền, họ kiểm tra hồ sơ là biết ngay việc bạn còn nợ tiền phạt, nếu họ phát hiện sẽ rất lằng nhằng.
Hoặc sau vài năm, họ ra soát hồ sơ, đưa ra tòa thì còn phiền hơn vì bị tính lãi, án phí... Ngoài vé phạt ra, có thể sang năm bạn còn bị hãng bảo hiểm tăng phí bảo hiểm.
Có điều thú vị là nếu người vi phạm chứng minh được mình không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp như sinh viên, người thất nghiệp... thì có bạn sẽ được thành phố tạo điều kiện tìm công việc ngắn hạn để đi làm trừ nợ, chẳng hạn như dọn vệ sinh công cộng, nấu ăn trong trại dưỡng lão...
Về việc xử phạt ở Việt Nam, tôi có góp ý như sau:
Trước tiên, chúng ta nên bắt đầu có mã công dân, CMND mới, bằng lái xe mới... rất thuận tiện cho việc quản lý bằng Internet.
Thứ hai, cần đơn giản hóa việc đăng ký xe và số hóa các thông tin như số xe, biển số, tên chủ, địa chỉ, điện thoại, e-mail... để cảnh sát dễ dàng tra cứu trên Internet. Mỗi lần mua mới, thay chủ, chỉ nên thu khoản tiền nhỏ, độ 100.000 đồng đến 200.000 đồng để đăng ký mới hoặc đăng ký lại.
Chúng ta nên mở nhiều điểm đăng ký để thuận tiện cho dân. Các điểm này còn làm nhiều việc khác như thu tiền phạt, bán bảo hiểm, đăng ký học lái, làm bằng lái và các dịch vụ khác nữa... Những điều này không nhất thiết phải cảnh sát thực hiện.
Các trung tâm này còn có thể lưu trữ và cung cấp thông tin về xe, tất nhiên phải nộp khoản tiền nhỏ, đây là điều nhiều người mua lại xe rất quan tâm.
Khi có vi phạm, cảnh sát gọi điện về trung tâm thông tin để xác nhận các thông tin về xe, chủ, bằng lái... xem có bất minh hay không. Sau này có điều kiện thì trang bị máy tính nối mạng 3G, đỡ phải dùng bộ đàm.
Sau khi ghi giấy phạt gồm một bản cá nhân giữ, một bản cảnh sát lưu, scan hoặc gõ vào máy tính và gửi sang tòa để dùng khi có khiếu kiện, gửi sang trung tâm thu tiền để quản lý việc thu tiền và đưa lên Internet.
Tôi cho rằng không nên xử phạt quá nhiều tiền những lỗi hay gặp vì nó rất dễ gây ra tiêu cực. Nếu lỗi cực nghiêm trong cần xử nặng thì giam bằng lái hoặc hủy bằng lái.
Mức xử phạt cần tương xứng với mức thu nhập. Mức lương bình quân là 5 triệu thì các lỗi xử phạt chỉ nên từ 20.000 đồng đến 300.000 đồng cho xe máy, ô tô thì gấp đôi.
Nếu mức phạt quá cao, người ta dễ nghĩ đến đút lót khoản nhỏ hơn để thoát tội. Mức đút lót mà tôi thấy hay gặp là 50.000 đồng đến 100.000 đồng, vậy các khoản tiền phạt nên chỉ ở mức này.
Tiền nộp phạt bao gồm khoản tiền phạt và khoản nhỏ lệ phí duy trì hệ thống thu tiền, khoảng 5.000 đến 10.000 đồng. Các khoản này cần ghi rõ trên giấy phạt
Tiền phạt cần đưa vào ngân sách, không cho phép cảnh sát hưởng một phần tiền từ tiền phạt, vì điều này khuyến khích cảnh sát phạt tiền mà coi nhẹ việc giáo dục, nhắc nhở.
Giấy phạt cần phải ghi đầy đủ thông tin về lỗi, mức phạt, tham chiếu theo quy định nào để phạt, đồng thời có hướng dẫn khiếu kiện và cách nộp phạt.
Chúng ta cần có cơ quan độc lập với cảnh sát để giám sát và xử lý những sai phạm cảnh sát. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho dân khiếu kiện, nơi khiếu kiện nên là tòa để đảm bảo công bằng. Cần đưa thông tin xử lý lên Internet để người dân dễ theo dõi và nộp phạt.
Cách nộp tiền cần phải quán triệt tư tưởng nhất quyết không cho cảnh sát thu tiền. Có thể nộp tại kho bạc, hoặc qua Internet banking. Tôi nghĩ có một cách rất hay là tại sao không nộp tiền bằng thẻ cào điện thoại, rất nhanh và tiện lợi.
Nộp xong, các bạn nhận được tin nhắn xác nhận, chỉ việc đến đồn công an hoặc chỗ nào đó lấy lại giấy tờ nếu bị tạm giữ. Tóm lại, nên coi việc phạt vi phạm giao thông là để nhắc nhở việc tuân thủ quy định, không nên phạt quá cao tạo ra sự khiếp sợ và gây ra tiêu cực.
Cần công khai về thủ tục xử phạt trên Internet, tạo điều kiện cho người dân khiếu kiện. Giảm mức xử phạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp phạt, nhưng nhất quyết không chấp nhận phương án nộp trực tiếp cho cảnh sát.
>> Xem thêm: CSGT được nhận tiền nộp phạt thẳng: Lo quá cơ! / Chuyển khoản tiền vi phạm sẽ hạn chế mãi lộ CSGT
Chia sẻ bài viết của bạn về nộp phạt vi phạm giao thông tại đây.