Theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thì người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến 5 năm:
- Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
- Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này...
Với quy định nói trên, hành vi bán túi giả trong trường hợp bạn nêu có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện nơi bên bán có trụ sở/cửa hàng/kho hàng...
Để có cơ sở giải quyết, bạn cần cung cấp cho cơ quan điều tra chứng từ, hóa đơn mua hàng, hàng giả (chiếc túi), tin nhắn, điện thoại trao đổi giữa hai bên, chứng từ chuyển tiền hoặc xác nhận chuyển tiền của ngân hàng (nếu bạn thanh toán online) và các tài liệu, chứng cứ khác, nếu có.
Về việc bị người bán dọa kiện: Nếu như những thông tin bạn đưa lên mạng xã hội là đúng sự thật, không có tính chất vu khống, bịa đặt cũng như không xúc phạm danh dự, nhân phẩm người bán thì không vi phạm pháp luật. Do đó, hành vi dọa kiện trong trường hợp này có thể chỉ nhằm mục đích làm cho bạn lo lắng, sợ hãi để bạn từ bỏ ý định tố giác hành vi buôn bán hàng giả của họ mà thôi.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội