Bharat Gite là chủ nhà máy phía tây thành phố Pune, Ấn Độ. Ông đang loay hoay tìm cách thuyết phục người lao động quay trở lại công việc. Hàng triệu công nhân, bao gồm cả những người làm việc trong nhà máy của Gite, đã rời thành phố về quê từ cuối tháng 3, khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo nước này thực hiện cách ly xã hội. "Làm cách nào đưa họ trở lại? Có lẽ phải mất ít nhất một năm để doanh nghiệp trở lại đúng hướng", Gite nói.
Nhưng thiếu lao động chỉ là một phần trong bức tranh u ám. Nhà máy của Gite cung cấp phụ tùng cho các công ty như General Electric, ABB và Siemens, nhưng hiện nay các đơn đặt hàng gần như cạn kiệt.
"Chúng tôi không nghe được thông tin gì từ khách hàng trong hai tháng qua. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra", ông nói.
Khi Ấn Độ bắt đầu giảm dần các biện pháp cách ly, kinh nghiệm của Gite cho thấy trước việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ không phải một bài toán đơn giản. Ngoài tình trạng thiếu lao động và nhu cầu chậm chạp, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với một mối đe dọa khác là dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Điều này đã xua tan mọi dự báo về sự khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, vốn vừa đối mặt với sự co lại lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
"Nếu một người bị nhiễm bệnh, toàn bộ nhà máy sẽ phải đóng cửa trong 28 ngày. Đó là nỗi sợ hãi của các ông chủ doanh nghiệp", Chandrakant Salunkhe, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ấn Độ, đánh giá. "Ngay cả khi tôi khởi động lại nhà máy, tôi cũng không có đủ nguyên liệu thô để sản xuất. Nếu tôi có nguyên liệu, tôi cũng không đủ lao động. Còn nếu tôi có lao động thì tôi không có đủ đơn hàng. Chuỗi cung ứng đã bị phá vỡ hoàn toàn".
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ấn Độ tạo ra một phần ba tổng sản phẩm quốc nội và sử dụng hơn 110 triệu lao động. Tuy nhiên những doanh nghiệp này cũng là bộ phận kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch và tình trạng cách ly xã hội.
Ấn Độ tuyên bố đóng cửa nền kinh tế từ ngày 25/3, mở rộng các biện pháp cách ly hai lần, lần đầu tiên đến ngày 3/5 và sau đó đến ngày 17/5. Nước này chỉ mới bắt đầu nới lỏng từ tuần trước với một số hoạt động sản xuất, buôn bán và vận chuyển hàng hóa trong các khu vực có tình hình dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Mặc dù áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, số ca nhiễm Covid-19 vẫn liên tục tăng. Ấn Độ đã xác nhận hơn 56.000 ca nhiễm bệnh, với gần 1.900 người chết. Bản đồ của nước này được chia thành các khu vực màu đỏ, cam và xanh lá cây, tùy thuộc vào cường độ bùng phát của dịch bệnh và được điều chỉnh lại hàng tuần. Hầu hết thành phố lớn, nơi thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và tạo ra việc làm, đều nằm trong vùng màu đỏ.
Nhưng ngay cả ở những khu vực mà tình trạng cách ly được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp cũng không sẵn sàng để người lao động quay trở lại. Ngành công nghiệp xây dựng, lĩnh vực tạo ra lượng công việc lớn nhất, đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn như vậy. Các nhà phát triển bất động sản như Runwal Group và Goodwill Developers cho biết họ không mong muốn công nhân sớm quay trở lại làm việc.
"Kết hợp những thách thức do chuỗi nguồn cung nguyên liệu thô bị phá vỡ và tình trạng thiếu lao động, kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục trì hoãn sự phục hồi", Akhil Bery, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group cho biết.
Đã có những hậu quả khi một số nhà máy bắt đầu mở cửa trở lại. Vụ rò rỉ khí gas tại một nhà máy polymer của LG Chem tại miền nam Ấn Độ vào tuần trước sau khi hoạt động trở lại đã giết chết ít nhất 11 người và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Các quan chức cho biết nhà máy này quá cũ và chính phủ sắp tới sẽ ban hành các hướng dẫn an toàn để các nhà máy khởi động lại sau quá trình cách ly.
Với bức tranh vĩ mô lớn hơn, những ảnh hưởng kinh tế tàn khốc của đại dịch cũng bắt đầu rõ ràng hơn với Ấn Độ.
Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ghi nhận mức giảm 15% trong tháng 4, trong khi một nghiên cứu ước tính 122 triệu người đã mất việc do đại dịch. Chuyên gia kinh tế của Bloomberg, Abhishek Gupta, dự báo GDP nước này sẽ giảm 4,5% trong năm nay, trong khi Sonal Varma của Nomura Holdings cho rằng mức giảm tới 5,2%.
Trong khi nền kinh tế chứng kiến đà giảm chưa từng có, Chính phủ Ấn Độ vẫn dự báo tăng trưởng cho năm nay sẽ ở ngưỡng 2%. Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman cho biết, nền kinh tế đã sẵn sàng phục hồi lại khi các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giới chức Ấn Độ đang thảo luận về một gói tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm việc đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay 39 tỷ USD. Chính phủ nước này cũng có thể tăng vay nợ hơn 50% trong năm nay để hỗ trợ khoản thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra ngờ vực về tương lai. Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics tại Singapore cho biết các ngành công nghiệp như vận tải, khách sạn và nhà hàng, thương mại và xây dựng sẽ chịu đòn giáng mạnh do việc đóng cửa nền kinh tế. Nhưng ngay cả trong các lĩnh vực khác, việc phục hồi cũng chậm hơn đáng kể.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho việc phục hồi hoạt động bình thường ngay cả với các lĩnh vực như nông nghiệp, một số ngành sản xuất và dịch vụ tài chính", Kishore nói.
Minh Sơn (theo Bloomberg)