-
09h45
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu mở màn hội thảo
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM phát biểu mở màn hội thảo "Nắm bắt được các xu thế và thách thức trong tiếp thị điểm đến hậu đại dịch". Bà cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50- 75%. Trong đó, TP HCM là một trong những điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất, bên cạnh Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An...
"Đây là tín hiệu với du lịch Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, nhất là trong bối cảnh toàn ngành vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau ảnh hưởng của dịch", bà Ánh Hoa nhấn mạnh. Bên cạnh nỗ lực trong công tác quản trị của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan, công tác truyền thông điểm đến đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng trên.
Trong hai năm dịch phức tạp, các kênh xúc tiến du lịch trực tiếp tại các trạm thông tin hỗ trợ du khách du, loạt triển lãm, sự kiện trong và ngoài nước... gặp nhiều khó khăn, chững lại. Nhiều quốc gia áp dụng chính sách phòng dịch dẫn đến du lịch bị "đóng băng". Đây là lúc du lịch TP HCM chuyển trọng tâm từ quảng bá sản phẩm, dịch vụ sang quảng bá duy trì hình ảnh điểm đến nhằm giữ mối liên hệ với du khách trong nước lẫn quốc tế, đồng thời tạo bước đệm sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi khi Covid-19 được kiểm soát.
Thời gian qua, bên cạnh việc hưởng ứng chiến dịch "Live Fully in Vietnam" của Tổng cục Du lịch, thành phố cũng kịp thời khởi động Chiến dịch truyền thông "TP HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City", kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9, với chuỗi sự kiện: Lễ hội Áo dài TP HCM lần 8; Ngày hội Du lịch TP HCM lần thứ 18; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP HCM (ITE HCMC 2022); Giải Marathon Quốc tế TP HCM lần 5; Tuần lễ Du lịch TP HCM lần 2; Liên hoan Ẩm thực Việt Nam; Lễ hội khinh khí cầu và các hoạt động dưới nước... Đồng hành chiến dịch là hàng trăm chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng di động. Chiến dịch là lời chào, truyền thông điệp TP HCM "Trẻ trung - Cởi mở - Sáng tạo - Hứng khởi - Hướng đến tương lai" đã sẵn sàng chào đón du khách.
Qua hội thảo hôm nay, bà Ánh Hoa và ban tổ chức kỳ vọng đem đến cái nhìn tổng quan về các xu hướng truyền thông điểm đến trên thế giới lẫn Việt Nam, đồng thời trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan tiếp thị điểm đến trong thời đại kỹ thuật số, cách thức kết nối và thu hút đối tượng du khách thế hệ Z, người lớn tuổi và có chi tiêu cao.
-
09h53
Bà Đỗ Huyền Trang, Giám đốc Tạp chí Wanderlust Tips nhận định rằng trong tất cả lĩnh vực trong xã hội, du lịch là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Theo đó, trong giai đoạn hồi phục kinh tế, đơn vị hy vọng có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho không chỉ độc giả của tạp chí mà cả những chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và du lịch.
"Chuỗi sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2022 (ITE HCMC) lần thứ 16 mang ý nghĩa to lớn khi không chỉ quảng bá du lịch TP HCM mà còn cả nước Việt Nam đến các bạn bè quốc tế. Thông qua sự kiện, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác và cung cấp các thông tin hữu ích đến cộng đồng. Hy vọng độc giả sẽ có những trải ghiệm thú vị và kỷ niệm đáng nhớ sau mỗi chuyến đi và chuyến đi sẽ thêm hoàn thiện với những bí quyết trên Wanderlust Tips", bà Trang chia sẻ.
-
09h55
Ba diễn giả trò chuyện về tiếp thị điểm đến
MC Phương Uyên giới thiệu ba khách mời tọa đàm "Tiếp thị điểm đến: Xu hướng, thành công và thách thức" gồm bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Trần Anh Dũng - Trưởng đại diện hãng hàng không Hongkong Airlines; bà Tạ Thị Bích Hà, Giám đốc Tổng cục xúc tiến du lịch Liên bang Nga tại Việt Nam (Visit Russia).
-
10h00
Bà Ngọc Hiếu: 'TP HCM đang tập trung vào tiếp thị kỹ thuật số'
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM - nhấn mạnh xây dựng niềm tin vào các điểm đến cho du khách là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bà lý giải TP HCM từng là một trong số những điểm nóng nhất cả nước về Covid-19, thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội khá dài. Ngành du lịch của thành phố gần như đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy.
"Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế TP HCM đang đẩy mạnh xây dựng và củng cố niềm tin của du khách với các điểm đến. Đây là bước đi đầu tiên nhằm cải thiện và nâng cấp ngành du lịch sau đại dịch. Chất lượng và phong thái phục vụ nhất quán được chú trọng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh tương tác với khách hàng qua nhiều hình thức, từ trực tiếp đến trực tuyến. Ngoài ra, các hình thức tiếp thị mới, phù hợp với thời đại cũng cần được áp dụng", bà Ngọc Hiếu cho hay.
Du lịch TP HCM chuyển trọng tâm từ quảng bá sản phẩm, dịch vụ sang quảng bá duy trì hình ảnh điểm đến nhằm giữ mối liên hệ với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời tạo bước đệm sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi khi dịch được kiểm soát.
Giai đoạn này, thành phố tập trung vào tiếp thị kỹ thuật số với việc tập trung nâng cao chất lượng về nội dung và đẩy mạnh các hoạt động tương tác trên các trang mạng xã hội: Facebook, YouTube, Instagram, thường xuyên đăng tải thông tin mới về hoạt động du lịch thành phố nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách trải nghiệm trực quan, sinh động.
-
10h05
'Doanh nghiệp du lịch cần có định hướng tiếp thị mới'
Tiếp thị điểm đến trong thời kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch cần có những điểm mới hơn so với giai đoạn trước, trong đó có các điểm nhấn về sự phục hồi và tính linh hoạt trong các kế hoạch tiếp thị điểm đến. Chia sẻ về các định hướng của hãng hàng không Hongkong Airlines trong tương lai, ông Trần Anh Dũng, Trưởng đại diện hãng cho biết hiện tại đơn vị đang tập trung xây dựng lại tầm nhìn thương hiệu với các mục tiêu chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp hướng đến xác định khách hàng mục tiêu để tiếp cận lại hậu ảnh hưởng từ đại dịch để sớm có chiến lược phù hợp.
Thứ hai, bên cạnh xác định lại khách hàng mục tiêu, cần thu hút khách hàng mới. Để làm được điều này, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng những sản phẩm, điểm đến mới để tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Đồng thời, thông qua những hoạt động quảng bá trên mạng xã hội, đưa những sản phẩm mới này đến gần hơn với khách hàng mục tiêu.
Thứ ba, phải quảng bá được thương hiệu địa phương. Ông Dũng cho biết, bất cứ doanh nghiệp du lịch, hàng không nào có dịch vụ, sản phẩm ở đâu, cần làm nổi bật điểm đặc sắc của địa phương đó để du khách cảm nhận được điểm đến đó là nơi đáng du lich, ghé thăm.
Cuối cùng, để thúc đẩy kinh doanh, ông Dũng cho rằng hãng hàng không cần xây dựng điểm đến, hành trình với chi phí hợp lý. "Sau đại dịch, kinh tế và thói quen tiêu dùng thay đổi. Nhữg hành trình, chuyến đi mới thiết kế lại sẽ giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn chuyến đi, sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của họ", ông nói.
Bên cạnh các định hướng trên, Hongkong Arlines cho biết vẫn sẽ tiếp tục phát triển các giá trị liên quan tới những phân khúc khách hàng hiện có và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
-
10h05
Sự vươn lên của những xu hướng loại hình du lịch mới
Bà Tạ Bích Hà, Giám đốc Tổng cục xúc tiến du lịch Liên ban Nga tại Việt Nam cho biết với tất cả những thay đổi do Covid, ảnh hưởng đến văn hóa chính trị, kinh tế, xu hướng du lịch hiện tại đã thay đổi rất nhiều.
Xu hướng đầu tiên bà Hà chỉ ra là hiện nay du khách thường tận dụng tất cả cơ hội, thời gian của những chuyến công tác để tham quan, trải nghiệm những dịch vụ đặc biệt ở khu vực họ đến thay vì chỉ tập trung vào công việc. Những trải nghiệm này có thể đặt gấp và họ chấp nhận chi phí cao. Đây là đối tượng khách hàng mới ở phân khúc cao cấp mà doanh nghiệp có thể hướng đến.
Xu hướng thé hai là "Automation". Giờ đây du khách có thể xem xét và đặt dịch vụ online với các thông tin xác đáng. Kế đến là "Personalization", nhu cầu trải nghiệm cá nhân cao hơn. Du khách đặt kỳ vọng cao hơn với chất lượng chuyến đi gia tăng từ nơi ở, điểm tham quan. Xu hướng "Experience" với trải nghiệm khác biệt để có chuyến đi để đời. Họ sẵn sàng trải nghiệm những chuyến đi lifetime journey chẳng hạn như đến điểm cực Bắc của Trái đất với mức giá rất cao, mỗi chuyến khoảng 50.000 euro. Và những chuyến đi này gần như không có chỗ nếu không đặt sớm trước một năm bởi chúng mang lại trải nghiệm khiêu chiến với cực hạn của con người.
Ngoài ra, bà Hà cũng nhắc đến những xu hướng đã nổi lên từ năm 2021 là Staycation, Wellness... Những hình thức này cũng trở thành nhu cầu hiện tại do ảnh hưởng từ Covid-19.
-
10h06
Những thách thức hãng hàng không có thể gặp
Trong tình hình mới, để đạt được hiệu quả tốt nhất cho các chiến dịch tiếp thị điểm đến, các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi những thách thức. Ông Trần Anh Dũng, tiếp tục chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp của mình đang phải đối mặt và những biện pháp mà Hongkong Airlines đã áp dụng để giải quyết tình hình này. Theo ông Dũng những thách thức sau đại dịch là rất nhiều, trong đó nổi bật là nguồn khách hàng hạn chế. Tuy Việt Nam đã mở cửa từ tháng 3 nhưng nhiều nơi vẫn chưa mở, đây là nguồn khách lớn của Hongkong Airlines. Một số nước đã mở cửa cho du lịch nhưng chưa hoàn toàn.
Thứ hai, là kinh tế của khách hàng suy giảm sau đại dịch nên khách hàng phải cân nhắc, thận trọng hơn khi chọn địa đếm. Thứ ba là sản phẩm trong hệ sinh thái du lịch đang trong quá trình hồi phục nên chưa phong phú, cơ sở vật chất và nhân lực vẫn chưa hoạt động 100%. "Để khắc phục, chúng tôi thấy cần phải xây dựng được các kế hoạch và sản phẩm linh hoạt, giá thành hợp lý, các doanh nghiệp và công ty lữ hành cùng nhau ngồi lại đưa ra những combo hỗ trợ lẫn nhau, và cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý", ông Dũng nói.
-
10h10
Bà Tạ Thị Bích Hà: 'Tâm lý khách hàng thay đổi sau Covid-19'
Trước câu hỏi "đánh giá thế nào về tâm lý người tiêu dùng và thói quen chi tiêu khi đi du lịch của khách du lịch thời kỳ hậu đại dịch, đặc biệt là các khách sạn thuộc Mường Thanh Hospitality?", bà Tạ Thị Bích Hà - Giám đốc Tổng cục xúc tiến du lịch Liên bang Nga tại Việt Nam (Visit Russia) cho rằng tâm lý mọi người đều thay đổi khi trải qua Covid-19, nhất là nhìn thấy sự mong manh, vô thường của cuộc đời. Bà dẫn chứng câu nói: Chúng ta chỉ sống một lần, không ai có thể sống thay chúng ta, do đó rất nhiều người muốn tự nhìn thấy thế giới mênh mông, trải nghiệm đôi khi là chuyến đi trong ngày, hay chuyến đi để đời chi hàng trăm triệu hay vài tỷ. Nếu không phải bây giờ, thì 'never' (không bao giờ)".
Do đó, bà Bích Hà nhận định hậu Covid-19 có sự hình thành những phân khúc khách hàng mới (hoặc mở rộng hơn của phân khúc đã có) như đối tượng wellness, người trẻ tuổi, khách hàng ứng dụng công nghệ cao trong du lịch.
Tâm lý khách hàng hiện tại chú trọng vào trải nghiệm. Trước khi đưa ra quyết định chi tiêu, họ thường tìm đến những review đã có, từ đó làm mốc để chi tiêu
Với nhiều người, du lịch không còn đơn thuần chỉ là "biển xanh, cát trắng, nắng vàng", thay vào đó, điểm đến cần gắn liền với một cảm xúc, một nhu cầu nhất định cần được thoả mãn về mặt tinh thần hoặc và vật chất.
-
10h12
Tùy thuộc định hướng, doanh nghiệp sẽ tìm ra chân dung những khách hàng mới
Bà Bích Hà cũng chia sẻ chân dung những khách hàng mới cho những loại hình du lịch mới đang dần trở nên thịnh hành. Đầu tiên đó là những người có tiền, những người đã có doanh nghiệp riêng, giúp họ hiểu rằng nếu đi họ vẫn có thể làm việc, họ có thể tự hào là những người đầu tiên đặt chân đến một điểm đến nào đó. Tiếp theo với những bạn sinh viên, học sinh, đang muốn tìm hiểu về lịch sử, có thể tiếp thị các điểm đến liên quan đến lịch sử... Nói tóm lại, phụ thuộc vào định hướng của mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách tiếp thị khác nhau.
-
10h15
Bốn kênh tiếp thị hiệu quả hậu Covid-19
Với những xu hướng du lịch mới, tệp khách hàng thay đổi, doanh nghiệp buộc phải đổi mới tiếp thị. Ông Trần Anh Dũng - Trưởng đại diện hãng hàng không Hongkong Airlines chỉ ra những kênh và nội dung tiếp thị hiệu quả cho thị trường hậu đại dịch gồm:
Influencer marketing: sử dụng các KOLs, chia sẻ những trải nghiệm của họ cho khách hàng
Tiếp thị D2C (direct to customer): doanh nghiệp làm chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng của mình: vận hành, trực tiép phân phối sản phẩm đến khách hàng. Khi bỏ qua khâu trung gian, doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với khách và hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu của họ.
Tiếp thị qua mạng xã hội: sử dụng những content ngắn, bắt mắt... doanh nghiệp có thể kết nối khách hàng bất cứ đâu, chỉ cần có thiết bị thông minh, kết nối internet. Kênh nổi bật nhất là Facebook, Instagram, Twitter...
Tiếp thị sử dụng công nghệ cao và các thuật toán, đem lại trải nghiệm cá nhân hoá cho người dùng. Doanh nghiệp có thể thu thập đầy đủ thông tin, nhu cầu khách và đưa ra chiến lược hiệu quả