Ngày hôm kia ở bộ môn Kata đồng đội nữ chúng ta đã phải chịu sự bất công đến từ tổ trọng tài khi Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Hằng đã có màn trình diễn rất xuất sắc tuy nhiên lại không được công nhận.
Tiếp đó đến Kumite nữ cũng được tổ trọng tài nhận “sai sót và xin lỗi” một cách chân thành sau trận đấu. Rồi thì Ánh Viên bị cướp huy chương khi đối thủ đã chơi xấu mà vẫn không bị trọng tài "tuýt còi".
Còn Phạm Văn Mách thì bị nước bạn chơi xấu và gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thi đấu. Và mới hôm qua, ở bộ môn đi bộ đã chứng kiến cảnh vận động viên của nước chủ nhà “chạy bộ” về đích “cướp” huy chương của vận động viên Xuân Vĩnh.
5 lần, chính xác 5 lần chúng ta bị xử ép một cách trắng trợn ở kì SEA Games 27 và còn chưa biết thêm những lần nào nữa vì còn rất nhiều môn thi đấu khác nữa chưa được tổ chức.
Có lẽ không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả các nước khác nếu thi đấu với nước chủ nhà Myanmar thì chắc cũng bị xử ép như vậy. Thực ra bị xử ép trong kì SEA Games này không phải bây giờ chúng ta mới nhận thấy, trước đó đội chủ nhà Myanmar đã công khai với các nước rằng phải nhường HCV nếu muốn có bộ môn đấy thi đấu và Việt Nam đã phải chấp nhận nhường HCV ở bộ môn Vovinam và một số bộ môn khác.
Lý do ở đâu mà nước chủ nhà lại có quyền xử ép? Chính cái luật lệ ở SEA Games là nước chủ nhà được quyết định những bộ môn thi đấu đã vô hình chung giết chết cái sân chơi được coi là danh giá nhất ở Đông Nam Á này.
Trong 33 môn được tổ chức ở SEA Games thì có tới 1/3 các môn đặc thù ở khu vực. Ở những môn đặc thù đó quốc gia đăng cai sẽ “dụ dỗ” thêm 3 nước nữa, tất nhiên là sẽ có thỏa thuận chia chác huy chương để các nước đó tham dự và nếu đồng ý môn thi đó sẽ được đưa vào SEA Games. Đó là lý giải tại sao trước Việt Nam có Đá cầu, Thái Lan có Muay, Philippines có Võ gậy, và giờ Myanmar có Chinlone. Như vậy không quá để nói thể thao Đông Nam Á SEA Games chỉ là cái “ao làng”.
Một ví dụ điển hình khác để nói lên “tầm vóc” nhỏ bé của SEA Games là thành tích môn bơi của Ánh Viên. Với thời gian 2 phút 14giây 80, Ánh Viên đã chính thức phá kỉ lục SEA Games. Nhưng nhìn về giải vô địch châu Á thì thấy thành tích này còn kém xa thành tích mà Ánh Viên đạt được ở cùng nội dung bơi ngửa nữ 200m. Với 2 phút 12 giây 47, kình ngư số một Việt Nam chỉ giành HCB mà thôi.
Người hâm mộ thể thao Việt Nam đã lên tiếng việc Myanmar dùng “lệ làng” để giành HCV ở SEA Games 27, nhưng các bạn không tự hỏi SEA Games 22 chúng ta tổ chức vừa rồi chúng ta có như thế không? Và còn những kì SEA Games trong tương lai nữa. Tôi đảm bảo chắc chắn là có nhưng chúng ta không thể nhìn ra bởi vì khi đó chúng ta là cái “làng” nghĩ ra cái “lệ” thì làm sao mà thấy sự bất công được hoặc “mặc nhiên” nó là như vây!
Lý do ở đâu? Chung quy lại cũng là vì bệnh thành tích mà thôi. Căn bệnh ngấm vào máu các nước ở khu vực Đông Nam Á này rồi. Không phải riêng thể thao mà hầu như tất cả các lĩnh vực khác cũng thế. Chỉ vì thành tích mà người ta đánh đổi luôn cả lòng tự trọng của bản thân, tập thể hay xa hơn là cả một quốc gia.
Theo tôi các nước Đông Nam Á nên dẹp bỏ SEA Games nếu không tìm được cách gạt bỏ căn bệnh thành tích. Việt Nam nên học theo Malaysia đó là chuyển hướng mục tiêu sang những đấu trường lớn hơn như: ASIAD và Olympic.
Bằng chứng cho thấy sự thay đổi tư duy rõ ràng về cái cách tham gia đấu trường “ao làng” này của Malaysia là họ chỉ đặt mục tiêu khiểm tốn khoảng 40 HCV và không quan tâm tới thứ hạng cuối cùng như kiểu tham gia cho vui mà thôi. Và cùng thời gian này, những vận động viên cầu lông hàng đầu Malaysia cũng không tham dự SEA Games để tập trung cho giải cầu lông Super Series Final.
Đã đến lúc chúng ta nên định hướng lại tư duy theo một cách nào đó có thể giống hoặc không giống Malaysia nhưng tựu chung lại là phải thoát ra khỏi cái “ao làng” này càng sớm càng tốt.
>> Xem thêm:5 lần trọng tài, chủ nhà ức hiếp Việt Nam tại SEA Games 27/ Toàn cảnh SEA Games 27.
Tùng Trịnh
Chia sẻ bài viết của bạn về thể thao tại đây.