Tại tọa đàm về thị trường xăng dầu ngày 30/7, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết hiện Chính phủ sử dụng 3 công cụ để điều hành, bình ổn giá xăng dầu, gồm giá cơ sở công bố 7 ngày một lần, các loại thuế, quỹ bình ổn. Điều này giúp thị trường không có các "cú sốc bất thường" ngay cả những kỳ giá nhiên liệu thế giới biến động lớn.
Tuy nhiên, theo ông Cường, giá xăng dầu theo thế giới nhưng điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sẽ không bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp. "Trường hợp áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích sẽ tìm biện pháp lảng tránh", ông nói. Ông nhắc lại vừa qua, có tình trạng doanh nghiệp treo biển thông báo hết xăng dầu, không bán hàng.
Chuyên gia này cho rằng hiện nay hai nhà máy lọc dầu trong nước đã sản xuất được 70% nhu cầu, là yếu tố để có thị trường xăng dầu cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp nên được tự định giá để tăng cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp vào quá trình này, chỉ sử dụng các công điều tiết như thuế, dự trữ quốc gia.
"Nếu chúng ta để thị trường quyết định, các doanh nghiệp cố gắng giảm chi phí đầu vào, thậm chí họ có thể mua lúc rẻ, bán ra lúc đắt để có giá hợp lý", ông Cường nói, thêm rằng việc này sẽ có lợi cho người tiêu dùng.
Kiến nghị gửi Bộ Công Thương hôm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ này cân nhắc cho phép doanh nghiệp tự quyết giá bán, không có giá trần. Song, doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định về công khai, minh bạch giá bán.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất Bộ Công Thương có cơ chế, pháp lý ràng buộc việc doanh nghiệp tự làm, chịu trách nhiệm về mức giá bán lẻ đưa ra. Cơ quan này góp ý cơ quan quản lý ngành công thương có cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý trong trường hợp doanh nghiệp tính giá chưa chuẩn xác, hoặc có sai phạm liên quan tới việc này.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, thị trường xăng dầu đang có "chính sách cào bằng", không cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ông ví dụ, giá bán nhiên liệu trên thị trường dựa trên mức cơ sở và do Nhà nước điều hành. Như vậy, thực chất giá này Nhà nước quyết định. Trong khi, các công cụ điều hành như thuế, quỹ bình ổn là nguồn lực từ ngân sách, người dân, chứ không phải thị trường.
Thực tế, cơ chế điều hành giá đang được nhà chức trách nghiên cứu, sửa đổi trong quá trình xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết giá bán tới người tiêu dùng trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Điểm mới là họ sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Từ 2003, Chính phủ đã có 5 nghị định về quản lý, tổ chức kinh doanh xăng dầu. Gần nhất, Nghị định 80 ban hành năm 2023. Tuy vậy, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nói cơ chế điều hành vẫn bất cập.
"Nút thắt trong tất cả các nghị định cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính hành chính, đặc biệt là giá", ông nói, cho rằng Nhà nước quy định kỹ quá, thậm chí là đang làm thay doanh nghiệp.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, công thức tính giá xăng dầu hiện nay cần tham chiếu quốc tế, không nên phụ thuộc vào báo cáo từ các doanh nghiệp. Bởi, giá cước tàu, chi phí phụ phí, bảo hiểm, tỷ lệ hao hụt, chi phí lưu thông đều được công khai. Chuyên gia cũng đề xuất cơ quan quan quản lý không đưa lợi nhuận định mức vào công thức tính giá, chỉ quy định một tỷ lệ chi phí lưu thông nhất định thuộc quyền quyết định của doanh nghiệp, ở mức khoảng 15%. Việc này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
Phương Dung