Người gửi: gvcntt
Là một người có thời gian học tập, làm việc trong môi trường đào tạo CNTT trong nước và nước ngoài, tôi cho rằng để cải thiện tình trạng đào tạo CNTT của ta phải chú ý đến rất nhiều khía cạnh: chương trình đào tạo, trang thiết bị phục vụ, ý thức học tập của sinh viên, biện pháp của các công ty CNTT đối với sinh viên đang học...
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến người giảng dạy CNTT đóng một vai trò cũng rất quan trọng và cần phải được lưu ý như giảng viên cần cập nhật, trao đổi kiến thức. Ở các nước có ngành CNTT phát triển, giáo sư, giảng viên luôn có cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế để trình bày kết quả nghiên cứu, giao tiếp với đồng nghiệp, khuyến khích thực hiện các dự án với công ty (science to market), các khóa học ngắn do công ty IT và chính phủ tài trợ. Summer school, spring school đều đặn tổ chức hàng năm để phổ cập “hot topic” trong chuyên ngành. Dựa vào đó giáo viên có động lực và ý tưởng để cải tiến chương trình, dẫn dắt sinh viên đến với những kiến thức cập nhật và hiện đại hơn.
Tôi cho là việc cập nhật kiến thức cho các giáo sư, giảng viên sẽ sinh ra ý tưởng cải tiến đào tạo CNTT hiệu quả chứ không chỉ là cuộc họp kiểu như “Làm thế nào cải tiến đào tạo CNTT”.
Bên cạnh đó là việc hỗ trợ nhân lực cho giảng viên: Trong một ngành đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn như CNTT, sự hỗ trợ nhân lực cho giảng viên là rất cần thiết. Ví dụ, để dạy một lớp Lập trình cơ bản (Java) cho sinh viên năm thứ 1, 2 (khoảng gần 100 sinh viên) ở trường tôi đang làm việc cần: 1 giảng viên chính (giảng lý thuyết), 2 nghiên cứu sinh đang làm tiến sỹ (chuẩn bị bài giảng, chấm bài, hướng dẫn thực hành), 3-4 sinh viên năm cuối (chuẩn bị bài tập, hướng dẫn thực hành). Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư hay tiến sĩ ở nước ngoài được sự hỗ trợ lập trình, cài đặt của nhiều sinh viên trong các đồ án thực tập hay tốt nghiệp.
Rõ ràng ở một số khoa CNTT của ta, giảng viên chính bị quá tải một phần do lượng sinh viên lớn. Nhưng có thể một phần do không tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ có tính hệ thống từ lực lượng nghiên cứu sinh, cao học trong nước, tập sự giảng dạy, sinh viên năm cuối. Hiển nhiên, lực lượng này sẽ làm một số công việc tốt hơn giáo sư hay giảng viên chính và việc tham gia phục vụ đào tạo cũng nên là một phần trong nghĩa vụ của họ.
Về chính sách quản lý giảng viên CNTT cần linh hoạt hơn. CNTT là một ngành phát triển rất nhanh và cần một sự giáo dục năng động để thích hợp. Chính vì sự ràng buộc về vấn đề biên chế, tổ chức nhân sự làm công tác sử dụng người ở các khoa CNTT của ta thiếu linh hoạt đã tạo ra những hạn chế. Có nơi giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài một thời gian phải về để phục vụ giảng dạy dù họ vẫn có cơ hội phát triển tiếp ở nước ngoài. Trong thời gian họ đi đào tạo, Khoa lại không nhận được người mới do chỉ tiêu biên chế đã đủ. Nên chăng Bộ hay trường để Khoa chủ động về chính sách nhân sự, sẵn sàng để cho những người đang đi học hay đào tạo được phát triển tiếp, chỉ cần 1, 2 lần trong năm họ về tổ chức các khóa chuyền đề để cập nhật kiến thức cho sinh viên, giảng viên trong khoa. Đồng thời khoa chấp nhận các hợp đồng ngắn hạn cho những người muốn tham gia giảng dạy tại khoa để bù vào sự thiếu hụt về nhân lực do những người đi nước ngoài để lại. Kiến thức giảng dạy cho sinh viên nhờ đó cũng có sự cập nhật hơn.
Ở trường tôi đang nghiên cứu, bất kỳ một nghiên cứu sinh nào muốn làm ở trường, chỉ được ký hợp đồng tối đa 6 năm. Sau đó phải đi nơi khác một thời gian làm việc để thay đổi môi trường và cập nhật kiến thức, rồi mới có thể quay lại trường, việc xét tuyển lại thực hiện từ đầu
Cũng cần phải có một môi trường CNTT tốt phục vụ cho giảng viên.
Đáng tiếc là ngay cả những Khoa đầu ngành về CNTT của ta, nhiều trang web vẫn không hoạt động, giáo viên không có homepage riêng để công bố các kết quả nghiên cứu của bản thân, công bố lịch gặp sinh viên, giờ dạy, tài liệu môn học…Việc truy cập Internet và các bài báo nghiên cứu bị hạn chế. Hình thức giao tiếp giữa sinh viên và giáo viên còn mang tính thủ công (ít dùng mailing list hay news service). Nếu cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho giáo dục còn chưa được áp dụng, cải tiến thì chúng ta chưa thể mơ về một nền giáo dục CNTT tiên tiến được.