Người gửi: Tạ Minh Sơn
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Về chủ trương cấm bán hàng vỉa hè của thành phố
Trước tiên tôi xin bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với chủ trương cấm bán hàng trong giờ làm việc của thành phố Hà Nội.
Việc bán hàng ngoài vỉa hè không chỉ Việt Nam mới có. Tuy nhiên ở nước ngoài, việc bán hàng (caphe, quầy hoa..) được đăng ký và được quy định một cách nghiêm chỉnh. Việc tuân theo quy định của pháp luật tạo nên được một nếp văn minh của những cửa hàng trên phố. Ngược lại, việc bán hàng một cách tràn lan, lộn xộn làm ảnh hưởng tới xung quanh sẽ tạo nên một ấn tượng không tốt về xã hội của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Trở lại vấn đề bán hàng vỉa hè, chúng ta thấy hoàn toàn không phải là cấm người dân bán hàng mà chỉ quy định lại về việc bán hàng, cụ thể là về giờ giấc bán hàng. Như vậy thực chất sẽ không ảnh hưởng tới việc mưu sinh của nhân dân mà chỉ buộc người dân muốn bán hàng sinh sống phải tuân theo những quy định cụ thể. Đồng thời chúng ta cần cụ thể hóa hơn nữa về việc bán hàng, không chỉ về thời gian mà còn về mức độ ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, cam kết giữ gìn trật tự công cộng... cũng như trước đó đã cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập với khu vực và thế giới, người dân chúng ta buộc sẽ phải quen với việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp với mục đích xây dựng một nhà nước pháp quyền. Mỗi quy định khi được đưa ra có thể ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận dân cư nào đó nhưng lại sẽ có tác động tốt tới toàn bộ đất nước. Như vậy thì không thể vì quyền lợi của một bộ phận dân cư mà ảnh hưởng tới bộ mặt và sự phát triển chung của quốc gia.
Vậy kính mong các cơ quan nhà nước cần pháp chế hóa bằng văn bản cụ thể mang tính thực tiễn về việc bán hàng trên vỉa hè, nếu như vậy sẽ vừa tạo được nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự cảnh quan công cộng, nhưng cũng tạo điều kiện mưu sinh cho người dân trên địa bàn, tạo nên một nếp sống tuân theo pháp luật của người dân.
Người gửi: Nguyễn Đức Tuấn
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Cấm toàn bộ việc lấn chiếm vỉa hè để bán hàng
Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định trên của UBND thành phố Hà Nội, tôi thấy không có một thủ đô nào lại nhếch nhác như vậy. Quán sá lộn xộn, bừa bãi người ăn, người uống. Lý do mưu sinh của người dân tôi cho là không chính đáng. Ai cũng phải làm phải ăn, nhưng làm làm sao không để ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cộng đồng. Nếu cứ với lý do ấy thì không chỉ vỉa hè mà còn lòng đường, vườn hoa, công viên...cũng trở thành nơi bán hàng hết.
Tôi hy vọng quyết định trên của thành phố sớm có hiệu lực để Hà Nội mãi là thành phố văn minh, lịch sự.
Người gửi: Ky-Anh Phan
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Quán ăn vỉa hè dưới mắt Việt Kiều
Vấn đề ở đây là kinh tế và phương tiện kinh tế. Nếu cuộc sống bạn phụ thuộc vào "mặt bằng" vỉa hè thì bạn nghĩ sao? Bạn có thể ủng hộ điều luật này khi gia đình con cái và miếng ăn bạn lệ thuộc vào chúng?
Đất nước còn nghèo, không nên vì bề ngoài mà cướp mất phương tiện sống của người dân nghèo, một đẳng cấp xã hội không tiếng nói, không biết cách nói và không quyền lực trong xã hội.
Cái "đẹp" thật sự của xã hội không là bề ngoài mà là sự bảo hộ và tạo điều kiện của xã hội đối với tầng lớp yếu đuối và nghèo nhất (già, nghèo, trẻ con, khuyết tật...). Đó mới thật sự là một xã hội văn minh, khi quyền lực phục vụ con người và đời sống của họ.
Theo thời gian, kinh tế thị trường sẽ dần dần và tự động loại bỏ nhu cầu của những cơ sở này. Chuyện cần thiết hiện tại là quản lý trật tự dựa theo những tiêu chí căn bản nhằm nâng cao ý thức. Theo tôi thế là đủ.
Nếu đã cấm thì cấm hết. Không thiên vị một khu hay nơi nào đó để xảy ra bất công, tiêu cực hay nhũng nhiễu vì khan hiếm và sự tập trung phân phối của một tài nguyên hiếm hoi.
Công sức và luật pháp nên tập trung vào những gì quan trọng hơn, ví dụ như giám sát và kiểm soát ngân sách nhà nước của những cán bộ ở địa phương. Công sức phá hoại của chúng kinh khủng và khổng lồ hơn, đáng cần chấn chỉnh hơn là phương tiện của những người dân lam lũ kiếm miếng ăn chân chính.
Thay vì trật tự đường phố, tôi nghĩ trật tự quyền lực quan trọng hơn. Trước khi đòi hỏi tầng lớp yếu đuối phục tùng, hãy đòi hỏi quyền lực được sử dụng để phục vụ con người và cuộc sống trước tiên.
Người gửi: Đoàn Đức Minh
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Góp ý việc buôn bán hè phố
Theo ý kiến của tôi làm sao vừa giữ được nét văn hóa riêng biệt trên hè phố, vừa phải giữ cho đường phố sạch đẹp, an toàn cho người đi bộ trên lề đường là vấn đề khó. Khó do chúng ta không có thước đo cho sự gọn, sạch, đẹp, an toàn.... Do vậy nếu cấm thì phải cấm hết, nếu cho buôn bán trên hè phố thì cũng phải cho hết.
Theo tôi cần xây dựng trong qui chế cho buôn bán trên hè phố cần có đủ điều kiện cần thiết, chẳng hạn cho phép theo khu vực, theo từng đường phố, đồng thời có qui chế thật rõ về vệ sinh, diện tích cụ thể, thời gian bán đối với các mặt hàng khác nhau, (ăn, uống, ...).
Nên cho từng phường tìm hiểu cụ thể sau đó kiến nghị phương án của địa phương mình, sau đó thành phố tổng hợp và ra quyết định, cần thiết phải có mức phạt thật nặng những hộ cố tình vi phạm nhiều lần.
Người gửi: Nguyễn Văn Thọ
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Hoan hô Thành phố HN với quyết định "làm sạch" vỉa hè
Không biết bao nhiêu lần, tôi và gia đình suýt chết vì tai nạn chỉ vì phải đi dưới lòng đường. Biết rằng ở một vài chỗ, một vài nơi nào đó trong thành phố, ăn uống trên vỉa hè là một nét văn hóa. Nhưng có lẽ chúng ta, những người Hà Nội thanh lịch nên hy sinh một chút thói quen này để thành phố văn minh hơn, an toàn hơn, sánh vai được với các thành phố khác trong khu vực.
Hy vọng lần này không phải là chỉ "ra quân" rồi lại "thu quân" để như "đá ném ao bèo".
Người gửi: Trần Văn Cương
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Lấn chiếm vỉa hè bán hàng
Tôi rất đồng tình với quyết định không sử dụng vỉa hè để bán hàng, không chỉ là hàng ăn uống, mà là tất cả các loại hàng hóa hóa khác.
Chưa có cấp có thẩm quyền nào quy định đó là kế mưu sinh của một số người, điều này sẽ là nguy cơ lớn cho thủ đô khi số người này tự cho mình quyền được làm cho hè phố ngổn ngang lộn xộn. Và rất không tốt là việc lấn chiếm vỉa hè để bán hàng (vì có lý do là nhà hẹp hoặc cửa hàng quá nhỏ), vì như vậy thì sẽ không công bằng, sẽ có một số người được sử dụng mặt bằng chung để kinh doanh vì mục đích riêng.
Nếu nhà nhỏ mà muốn bán hàng thì bỏ tiền ra mà mua nhà to hơn. Nếu không đủ diện tích bán hàng thì chuyển sang làm nghề khác hơn là bán hàng, chứ đừng lợi dụng đất công (vỉa hè, lòng đường) cho mục đích cá nhân. Đồng ý là nên giữ lại các nét đẹp văn hóa của Thủ đô, xong không thể xem là việc bà y bàn ghế ra đường bán hàng tràn lan lại được coi là nét đẹp văn hóa của thủ đô. Thành phố cần nhanh chóng thực hiện quyết định này và nên làm cương quyết, duy trì thường xuyên và lâu dài.
Người gửi: hòa minh tân
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Sao lại là văn hóa?
Một số ý kiến cho rằng ăn, uống trên vỉa hè phố cổ, cà phê vỉa hè Triệu Việt Vương, hàng Hành, Nguyễn Hữu Huân, đứng chen chúc ăn kem Tràng Tiền là nét văn hóa của Hà Nội, nếu dẹp hết sẽ đáng tiếc.
Nếu chúng ta tự coi mình là dân tộc biết tôn trọng chữ tín thì chúng ta phải thực hiện cam kết khi vào WTO mà linh hồn của nó là tính tự tôn pháp luật. UBND thành phố HN ban hành quyết định này tôi nghĩ là hợp lòng dân và vì lợi ích của số đông nên xin đừng né tránh và e ngại, lần này nếu làm không được tôi nghĩ sẽ khó bao giờ có thể làm lại được nữa.
Người gửi: hòa minh tân
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Chính quyền không nên do dự như vậy.
Tôi đồng tình và rất hoan nghênh quyết định của UBND TP Hà Nội về cấm buôn bán kinh doanh tại vỉa hè vào giờ hành chính. Tôi cho rằng làm cái gì cũng nên dựa vào lợi ích của số đông chứ không thể vì lợi ích của 1 nhóm nhỏ. Hàng triệu người dân đang sống ở Hà Nội nhưng số người dùng vỉa hè mưu sinh chỉ là con số hàng nghìn. Nhưng số nghìn này lại làm cho cả Thành phố phải chịu hậu quả về giao thông, về vệ sinh và mỹ quan đô thị, nhất là trong con mắt khách quốc tế, thủ đô Hà Nội như 1 cái chợ khổng lồ.
Chúng ta hàng ngày hô hào về hội nhập, về bản sắc văn hóa về nét thanh lịch Tràng An, vậy thử hỏi trứng vịt lộn, bún Ngan, bánh Cuốn, Xôi, Trứng Gà ngải cứu, quán chè chén... tràn lan tùy tiện, giấy ăn thứ phẩm, thức ăn thừa, bàn ghế lổn nhổn tất cả trút ra vỉa hè thì bản sắc ở đâu, thanh lịch chỗ nào.
TP HCM cũng có quán ăn vỉa hè nhưng ít hơn Hà Nội rất nhiều, hầu hết mở hàng, quán chủ đầu tư đều tìm kiếm mặt bằng và tổ chức kinh doanh hẳn hoi vừa tạo môi trường văn minh chung vừa tôn trọng khách hàng.
Tôi mong sao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiên quyết, làm triệt để để lập lại trật tự, văn minh cho Hà Nội, chính quyền quận đặc biệt là Chính quyền phường phải chịu trách nhiệm chính về việc này, thành phố cũng rất nên mời báo chí vào cuộc để tạo áp lực với các địa phương làm không tốt, hoặc làm nửa vời.
Người gửi: Nguyễn Long Đức
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ!
Tôi rất đồng tình với chủ trương của thành phố về việc cấm bán hàng ăn uống trên hè phố trong giờ hành chính. Không thể vì cái lý do là có nhiều người đang sống nhớ những gánh hàng được bày bán trên vỉa hè mà chúng ta chấp nhận một hiện trạng là vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ thì lại được ưu tiên cho kinh doanh. Và càng không thể lấy lý do là bảo tồn "nét văn hóa" nào đó để tước bỏ đi cái quyền đi bộ trên vỉa hè của người đi đường.
Tôi thật sự không đồng tình với những ý kiến cho là gắn việc kinh doanh ăn uống trên vỉa hè với văn hóa. Đồng ý rằng hình ảnh những gánh hàng rong trên những vỉa hè phố cổ Hà Nội là một nét đẹp riêng của Hà Nội từ xưa. Nhưng những người có cái ý tưởng muốn giữ cái nét đẹp đó cần phải nhận thấy rằng đó là những hình ảnh, những nét đẹp đó chỉ có thể tồn tại trong một xã hội có sự phát triển kinh tế thấp và thời kỳ đó đường phố cũng không quá đông như bấy giờ.
Còn bây giờ khi mà nền kinh tế đã phát triển, người người tấp nập đổ ra đường kiếm ăn, đường phố đông đúc, lòng đường các phương tiện giao thông còn không có chỗ mà đi huống chi còn "chứa" thêm người đi bộ. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra giữa người đi bộ và các phương tiện giao thông mà phần lớn xuất phát từ cái hiện tượng người đi bộ đi sai phần đường dành cho mình (tức vỉa hè).
Thiết nghĩ từ những lý do trên, nhà nước không những hạn chế bán hàng ăn uống trong giờ hành chính mà còn phải cấm hoàn toàn việc bán hàng lấn chiếm vỉa hè. Bởi đó là hành động quản lý đô thị của một chính quyền văn minh, là hợp đúng chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đó là mong mỏi, là nguyện vọng của đại đa số nhân dân.