Luật sư tư vấn
Khoản 6 điều 13 Luật Đất đai năm 2013 quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mọi người thường gọi là sổ đỏ, sổng hồng) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Khoản 1 điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, sổ đỏ không phải là tài sản mà là "chứng thư pháp lý". Do đó, sổ đỏ không thuộc đối tượng của cầm cố tài sản. Nếu tiệm cầm đồ chấp nhận cầm cố sổ đỏ của bạn thì giao dịch đó sẽ bị coi là vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật theo điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015, bạn có quyền thế chấp quyền sử dụng đất của lô đất đó cho ngân hàng hoặc người khác để vay tiền.
Cụ thể, thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp này, bạn cam kết nếu không thanh toán được khoản nợ vay đúng hạn theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có quyền "lấy lô đất đó để trừ nợ".
Trong thời gian thế chấp quyền sử dụng đất thì lô đất nêu trên bạn hoàn toàn có quyền sử dụng mà không giao cho bên nhận thế chấp (chỉ đưa sổ đỏ để bên nhận thế chấp giữ nhằm tránh trường hợp bạn chuyển nhượng, tặng cho... lô đất này cho người khác).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM