Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long - thuộc nhóm 7 công ty đa cấp đang trong quá trình thanh tra của Bộ Công Thương. Trong tài liệu hồ sơ của Cục Quản lý Cạnh tranh có lưu trữ nhiều đơn thư tố cáo công ty này.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tần (58 tuổi, Văn Quán - Hà Đông) tố cáo Thăng Long lừa đảo bằng hình thức bán hàng đa cấp. Ngày 1/6/2015, ông Tần được bà Triệu Thị Tuyết giới thiệu vào mô hình của Thăng Long "không phải bán hàng, chỉ cần mua gói 31 triệu đồng thì sẽ hưởng hoa hồng 146 triệu, mua gói 155 triệu đồng hưởng hoa hồng 731 triệu". Sau đó, ông Tần quyết định chi tổng cộng 343 triệu đồng để gia nhập hệ thống của Thăng Long với gói 31 triệu đồng đứng tên chính mình, 2 gói 155 triệu đồng đứng tên vợ là Nguyễn Thị Minh và con trai Nguyễn Hữu Thông với hy vọng nhận về hơn 1,6 tỷ đồng sau một thời gian ngắn.
Nộp tiền vào, ông Tần nhận về 6 hộp thực phẩm chức năng với tổng hoá đơn là 6,2 triệu đồng, số hàng còn lại vẫn ở trong kho của công ty. Sau đó, ông yêu cầu bà Tuyết và tổ tư vấn công ty phải có văn bản cam kết số hoa hồng trả liên tục, tuy nhiên 3 tháng sau ông vẫn không nhận được hoa hồng.
Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, ông Tần yêu cầu phía công ty cho thanh lý hợp đồng, trả lại số tiền đã đóng. "Tôi không bán hàng đa cấp cho công ty nữa vì thấy tính khả thi không cao và không chắc chắn. Số tiền này quá lớn, tôi đã tích luỹ cả đời để dành dụm cho tuổi già vì không có lương hưu. Nếu tôi mất số tiền này đồng nghĩa với án tử hình", ông Tần viết trong đơn và cho biết đã nhiều lần tìm gặp Ban giám đốc Thăng Long nhưng phía công ty không chịu giải quyết.
Con gái ông Nguyễn Mạnh Sơn (Bắc Ninh) cũng có đơn tố cáo thủ đoạn lừa đảo của Thăng Long. Theo đó, ông Sơn được một người bạn giới thiệu với bà Nga. Tại đây, ông được bà Nga và các đồng nghiệp trong công ty giới thiệu tham gia vào hệ thống đa cấp Thăng Long bằng cách mua mã sản phẩm trị giá 46 triệu đồng vì công ty đang có khuyến mại giờ vàng.
"Họ thuyết phục rằng nếu mua mã 46 triệu đồng vừa được sản phẩm mà không cần làm gì thì chỉ sau 1-2 năm có thể nhận về số tiền lớn và coi như là hình thức tiết kiệm cho tuổi già", đơn tố cáo viết.
Sau đó ông Sơn nộp 500.000 đồng để đặt cọc giữ chỗ vì cả nể khi bị thuyết phục nhiều quá. Sau đó, ông liên tục nhận được hối thúc nộp 46 triệu đồng nhưng nhiều lần từ chối với lý do không có tiền. Lúc này bà Nga bảo không có tiền thì đi vay và bà cho ông vay 4 triệu đồng để mua máy lọc nước, số tiền còn lại bà Nga sẽ tự nộp vào công ty cho ông Sơn, ngược lại ông chỉ cần ký giấy vay nợ 50 triệu đồng với bà Nga.
Sau đó, ông Sơn quay lại công ty để lấy máy lọc nước thì nhân viên nói không có sản phẩm đó. Cảm thấy không bình thường ông Sơn gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng nhưng lần lượt bị từ chối vì hàng hoá đã hết hạn giải quyết. Trong khoảng thời gian đó, ông Sơn còn bị bà Nga đòi khoản tiền lãi 500.000 đồng một tháng cho hợp đồng vay nợ trên.
Hiện các đơn thư tố cáo Thăng Long đang được gửi sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46 để điều tra.
Cục Quản lý Cạnh tranh cũng tiết lộ hồ sơ nhiều "vết tích" của đa cấp Thăng Long. Theo đó cuối tháng 11/2015, biên bản kiểm tra Thăng Long mới được kết luận dù đã thanh tra đột ngột công ty này từ tháng 7/2015. Kết quả cho thấy, Thăng Long đã vi phạm nhiều quy định pháp luật về bán hàng đa cấp. Đoàn kiểm tra cho biết, công ty này đã không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Thăng Long đã cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hoá, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia nộp tiền vào hệ thống.
Cục phát hiện công ty đã cung cấp sai lệch gây nhầm lẫn về tính chất và công dụng của các sản phẩm như: Nutrion 1, Nutrion 2, Nutrion 3, thực phẩm chức năng giải rượu MV, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Thymozin, thực phẩm chức năng Thymo Plus…
Thăng Long thường xuyên tổ chức các hội nghị rất hoành tráng, với sự tham gia của hàng nghìn người. Mục đích là để phát thưởng cho các cá nhân, trong đó phóng đại về mức thu nhập và hoa hồng của một số người tham gia công ty, số tiền thưởng lên tới hàng tỷ đồng.
Chẳng hạn, trong một đợt phát thưởng năm 2015 tại Hà Nội, công ty đã trao thưởng cho bà Dương Hồng Hương là 1,2 tỷ đồng, Nguyễn Văn Hy 1,7 tỷ, ông Lê Phúc Thanh là 1,74 tỷ…
Tuy nhiên, qua kiểm tra của Bộ Công Thương, Thăng Long thừa nhận trong lễ phát thưởng tháng 6/2015 đã "cung cấp thông tin sai lệch về thu nhập của người tham gia", mức sai lệch như thế nào thì Cục Quản lý Cạnh tranh vẫn chưa công bố.
Phía công ty cũng thừa nhận đã tự lưu hành thẻ không đúng với quy định của Bộ Công Thương. Đồng thời không thực hiện nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp.
Do hàng loạt lỗi vi phạm trên, Thăng Long đã bị Cục xử phạt 202 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt này không được công khai rộng rãi, khiến nhiều người dân vì thiếu thông tin và cả tin đã tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp.
Trong một video giới thiệu, Chủ tịch Thăng Long - Lê Văn Quang từng tuyên bố: "10 năm sau chúng ta có thể tự hào rằng Thăng Long sẽ là công ty kinh doanh mạng đầu tiên của Việt Nam chinh phạt thị trường quốc tế. Rõ ràng đây là bài học giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam sau này. Và nó hoàn toàn xứng đáng có trong chương trình sách giáo khoa. Và hôm nay tôi có một giấc mơ, đó là chúng ta cùng nhau xây dựng nên một công ty vĩ đại".
Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long được thành lập từ năm 2013, có trụ sở chính tại Khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội). Với các chiêu trò thổi phồng thu nhập và thưởng lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian ngắn, Thăng Long đã gây dựng được mạng lưới người tham gia đông đảo ở nhiều tỉnh thành. Giám đốc công ty - người đại diện pháp luật là ông Phạm Ngọc Tuân.