Tại gian phòng chật hẹp, Mat ngồi chung với 20 bệnh nhân khác trong vòng vài giờ để chạy thận. Tất cả đeo khẩu trang y tế và được đo nhiệt độ trước khi vào bên trong. Bác sĩ cũng cho biết máy móc được khử trùng thường xuyên. Tuy nhiên rủi ro vẫn rất cao.
Một trong những bệnh nhân nCoV tử vong đầu tiên ở Mỹ từng lọc máu tại cùng một phòng khám. Thông tin này ít nhiều khiến Risher lo sợ.
Covid-19 lây lan khắp các tiểu bang của Mỹ, 500.000 bệnh nhân bị suy thận cần lọc máu hàng tuần là những người dễ bị tổn thương nhất. Các phòng khám đón tới hàng chục bệnh nhân trong mỗi ca làm việc. Do thiếu không gian, họ ngồi san sát nhau, gần hơn nhiều so với khoảng cách an toàn 2 m được khuyến nghị.
"Đây chắc chắn là thời gian đáng sợ đối với chúng tôi", anh Risher chia sẻ.
Chạy thận là lựa chọn điều trị cuối cùng đối với nhiều người. Ngày thường, họ vốn đã dễ mắc bệnh. Một trường hợp lây chéo tại cơ sở điều trị từng xảy ra trong quá khứ. Do đó, nhiều người càng tỏ ra lo ngại khi dịch bệnh diễn biến khó lường.
DaVita và Fresenius, hai công ty lớn nhất ngành công nghiệp, cho biết họ có đủ quy trình đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và y bác sĩ, đồng thời đang tích cực ngăn chặn sự lây lan của virus trong các cơ sở chạy thận.
Song giới chuyên gia cho rằng công ty vẫn không ý thức được mức độ nguy hiểm của vấn đề. Các bệnh nhân được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang. Nhiều nhân viên y tế và kỹ thuật viên tỏ ra lo ngại về vấn đề thiếu hụt thiết bị bảo hộ cũng như nguy cơ lây nhiễm chéo.
"Phản ứng của các cơ sở lọc máu trước Covid-19 là chưa hề thỏa đáng, khiến những người dễ bị tổn thương nhất tiếp xúc với virus. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối", ông Dave Regan, Chủ tịch Liên minh Nhân viên Dịch vụ Quốc tế, tuyên bố.
Alan Kliger, bác sĩ chuyên khoa thận Đại học Yale, nhận định: "Mắc bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân tử vong lớn thứ hai khi tiến hành chạy thận". Cứ 10 bệnh nhân thì có một người chết vì biến chứng do nhiễm trùng qua khu vực nối ống thông.
Theo phân tích của Medicare, 6 trong số 10 cơ sở chạy thận tại Mỹ được thanh tra vào năm ngoái có những sai sót liên quan đến quá trình kiểm soát bệnh tật. Thậm chí có nhân viên không vệ sinh thiết bị đúng cách hoặc không đeo găng tay khi làm thủ tục cho bệnh nhân.
Mối lo ngại càng gia tăng giữa thời điểm dịch bệnh, khi mà nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế.
"Chúng tôi không có nhiều thiết bị bảo hộ đến thế", bác sĩ Kliger thừa nhận.
Theo ông, ở những khu vực như New York hoặc Connecticut, lượng bệnh nhân khổng lồ đồng nghĩa với việc bác sĩ phải ứng biến bằng các vật dụng có sẵn.
Nhân viên tại các cơ sở chạy thận cho biết họ không cảm thấy an toàn khi làm việc.
Để đối phó với tình trạng đó, nhiều nơi cố gắng thay đổi chính sách, áp dụng biện pháp mới ngăn chặn nguy cơ lây lan tiềm ẩn của nCoV. Risher nhận định mọi thứ thay đổi khá nhanh tại phòng khám nơi anh điều trị.
Trung tâm Thận Tây Bắc đã làm việc với giới chức y tế địa phương cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tiến hành theo dõi các bệnh nhân và nhân viên tiếp xúc với người từng nhiễm nCoV. Các phòng khám được khử trùng thường xuyên. Y bác sĩ mặc đồ bảo hộ khi điều trị với bất cứ ai mắc bệnh.
Hai công ty DaVita và Fresenius cũng đưa ra biện pháp tương tự trong những tuần gần đây, cố gắng giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Bệnh nhân đến lọc máu được đo nhiệt độ liên tục và phải khai báo về tình trạng sức khoẻ. Hơn hết, tất cả đều đeo khẩu trang.
Thục Linh (Theo NY Times)