Tại Đức, hơn 100 người được xác nhận nhiễm nCoV sau một buổi lễ nhà thờ ở Frankfurt và hàng chục người khác dương tính với virus sau lễ khai trương một nhà hàng ở thị trấn Leer, phía bắc nước này. Ngoài ra, các cụm dịch mới cũng xuất hiện tại một xưởng đóng tàu lớn của khu vực, các nhà máy đóng gói thịt và nơi chuyển phát thư tín.
Tại Hà Lan, hơn 140 ca nhiễm nCoV được ghi nhận trong số các nhân viên tại một lò mổ công nghiệp ở thị trấn Groenlo. Virus đã vượt qua biên giới, lây sang Đức, nơi 80% công nhân của nhà máy cư trú.
Chính phủ các nước châu Âu đang đối mặt áp lực dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn chặn nCoV còn lại để hồi sinh nền kinh tế, đặc biệt là ở những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, khách sạn.
Nhưng các ổ dịch mới đã cho thấy nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai đang rình rập trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Nghiên cứu chỉ ra rằng những sự kiện tập trung đông người là một trong những nguyên nhân chính khiến virus lây lan nhanh chóng.
Các ổ lây nhiễm mới đã làm dấy lên những lo ngại về tốc độ dỡ bỏ hạn chế tại một số khu vực ở Đức. Theo hệ thống chính trị liên bang của nước này, các bang có quyền tự quyết về những biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Một số bang vẫn kiên quyết nới lỏng lệnh phong tỏa, dù chúng đi ngược với hướng dẫn từ chính quyền trung ương của Thủ tướng Angela Merkel.
Bang Thuringia ở phía đông Đức cuối tuần trước cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế bắt đầu từ ngày 6/6. Bang lân cận Saxony hôm qua thông báo sẽ có động thái tương tự. Các đảng cực hữu và cực tả phản đối biện pháp hạn chế đều có tiếng nói mạnh mẽ ở hai bang này.
Markus Söder, thủ hiến bang Bavaria, giáp Thuringia, cho rằng tuyên bố từ Thuringia đang truyền đi tín hiệu nguy hiểm và kêu gọi chính quyền bang láng giềng cân nhắc lại quyết định. "Tôi không muốn Bavaria bị tái bùng dịch chỉ vì một chính sách bất cẩn từ Thuringia", ông nói.
Karl Lauterbach, chuyên gia dịch tễ kiêm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội, nhấn mạnh đeo khẩu trang và giữ khoảng cách vẫn là biện pháp phòng dịch chủ chốt. "Những chính sách này cần được giữ nguyên và không dựa trên cơ sở tự nguyện", tiến sĩ Lauterbach nói.
Một người được xác nhận dương tính với nCoV sau khi dự lễ khai trương nhà hàng là giám đốc điều hành của Meyer Werft GmbH, công ty đóng tàu địa phương. Người này sau đó tham dự nhiều cuộc họp tại công ty. Vài người tại Meyer Werft GmbH cũng đã dương tính. Cả công ty với hơn 3.000 nhân sự đã phải áp dụng các biện pháp cách ly.
Người đứng đầu hạt nơi có nhà hàng bị lây nhiễm nCoV cho hay khách tham dự sự kiện khai trương không tuân thủ các quy định về cách biệt cộng đồng. "Họ được cho là đã bắt tay và ôm nhau. Một nhân viên nhà hàng còn ngồi với khách mà không đeo khẩu trang", ông này nói.
Các nhà thờ ở Đức đã được phép mở cửa với điều kiện người đi nhà thờ phải thực hiện cách biệt cộng đồng và đeo khẩu trang, đồng thời không được tổ chức ca đoàn.
Nhà thờ nơi dịch bùng phát tại Đức chưa đưa ra bình luận. Một thông báo đăng trên website của họ cho biết những người đi lễ vẫn giữ khoảng cách và sử dụng chất khử trùng, nhưng họ vẫn hát ca đoàn và không ai đeo khẩu trang.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel nhấn mạnh những sự việc xảy ra tại nhà thờ và nhà hàng cho thấy "mọi thứ có thể xấu đi rất nhanh khi các quy định phòng dịch cơ bản bị phớt lờ".
Tại Berlin, nơi quán bar và nhà hàng đã mở cửa trở lại hồi đầu tháng, nhà chức trách cho biết tỷ lệ lây nhiễm virus đã tăng từ mức dưới 1 lên 1,37, tức cứ khoảng 3 người nhiễm nCoV sẽ lây cho 4 người khác. Các nhà khoa học lưu ý nếu tỷ lệ này duy trì ở mức lớn hơn 1 trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng virus lây lan theo cấp số nhân.
Thủ hiến Thuringia Bodo Ramelow vẫn bảo vệ quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, khẳng định người dân vẫn sẽ cảnh giác dù không bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật. "Tôi chưa bao giờ nói rằng mọi người nên ôm nhau hay tháo khẩu trang hay vải che mặt để hôn nhau", Ramelow phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 25/5.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)