Phát hiện mới do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Michael Chan Chi-wai, công tác tại Trường y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong, tiến hành. Kết quả đăng trên tạp chí Lancet ngày 8/5.
Nghiên cứu cho thấy các xét nghiệm chỉ ra mức độ nCoV lây nhiễm vào đường hô hấp trên, kết mạc (các tế bào lót trên bề mặt của mắt) cao hơn rất nhiều lần so với SARS. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cho thấy nCoV lây nhiễm qua mắt.
Để rút ra kết quả này, các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy virus từ mẫu bệnh phẩm lấy ở đường hô hấp và mắt của bệnh nhân, rồi so sánh với SARS và H5N1.
"Chúng tôi thấy nCoV lây nhiễm vào kết mạc của con người và đường hô hấp trên mạnh hơn so với SARS, mức độ virus cao hơn khoảng 80 đến 100 lần", tiến sĩ Chan nói.
Theo tiến sĩ Chan, đây là câu trả lời cho câu hỏi về khả năng lây nhiễm Covid-19. "Nghiên cứu nhấn mạnh thực tế mắt có thể là con đường lây nhiễm nCoV vào cơ thể người".
Cùng với phát hiện nCoV có thể tồn tại bảy ngày trên bề mặt thép không gỉ và nhựa, nghiên cứu giúp củng cố khuyến cáo cộng đồng không chạm tay vào mắt và rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm bệnh.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia cũng phản biện một số khuyến cáo từ khi dịch khởi phát về việc nhân viên y tế không cần đeo kính chuyên dụng, chỉ cần mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ N95 là được bảo vệ hoàn toàn.
Khả năng nCoV lây nhiễm qua mắt được khẳng định từ trường hợp của chuyên gia hô hấp Wang Guangfa, công tác tại Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông bị sốt, viêm kết mạc mắt sau khi từ Vũ Hán về. Sau đó, Wang được xác nhận mắc Covid-19, lây nhiễm do bị văng giọt bắn vào mắt.
Hiện Hong Kong ghi nhận 1.044 ca nhiễm nCoV, trong đó 4 người đã tử vong. Dịch bệnh tại đây đã lắng lại, chính quyền nới lỏng các hạn chế đối với việc tập trung đông người và hoạt động của doanh nghiệp từ ngày 8/5.
Tuy nhiên, tiến sĩ Chan khuyến cáo cộng đồng không nên mất cảnh giác vì dịch bệnh trên thế giới vẫn rất nghiêm trọng, hàng ngày đều phát hiện thêm nhiều ca mới tại Mỹ, Nga và châu Âu.
Chi Lê (Theo SCMP)