Kể từ giữa năm 2021, thuốc kháng virus molnupiravir được coi như phương pháp tiềm năng điều trị Covid-19 trong thời kỳ mầm bệnh trở thành đặc hữu. Thuốc có giá sản xuất tương đối thấp (khoảng 17,74 USD cho một liệu trình), dễ sử dụng, không cần truyền dịch phức tạp và làm giảm nguy cơ nhập viện.
Tuy nhiên, Jeremy Farrar, giám đốc tổ chức khoa học Wellcome cho biết việc sử dụng độc lập molnupiravir dễ dẫn đến kháng thuốc. Tình trạng này xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn tiến hóa để thích nghi, làm suy yếu hoặc đánh bại cơ chế tấn công của thuốc.
Hiện tượng này khiến giới khoa học lo ngại từ lâu, từng được báo cáo trong các thử nghiệm điều trị Covid-19 khác, chẳng hạn liệu pháp kháng thể của Eli Lilly. Ông Farrar cho rằng molnupiravir không phải ngoại lệ, song vẫn lạc quan nhận định đây là vũ khí mới, mạnh mẽ có thể chống lại đại dịch.
"Tìm ra một loại thuốc uống dễ dàng ngay khi nghi nhiễm nCoV là bước tiến lớn của nhân loại", ông thừa nhận, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp nó với các loại thuốc khác càng sớm càng tốt nhằm trì hoãn phản ứng kháng thuốc của virus.
Nick Kartsonis, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm và vaccine tại Merck, thừa nhận kháng thuốc luôn là mối lo ngại của cộng đồng y tế. Song ông cho rằng khả năng nCoV kháng được molnupiravir khá thấp. Các thử nghiệm thuốc trước đó cho thấy hiện tượng này hiếm xảy ra ở virus khác. Quá trình điều trị ngắn, đồng nghĩa virus có ít cơ hội phát triển thành thể kháng thuốc, ông giải thích.
Nguyên nhân khác nằm ở cơ chế của thuốc. Molnupiravir hoạt động bằng cách chèn các lỗi vào vật liệu di truyền của nCoV. Những lỗi này sau đó sẽ được nhân rộng một cách ngẫu nhiên trong toàn bộ hệ gene, đến khi virus bị phá hủy . Điều này có nghĩa nCoV ít cơ hội phát triển các dạng đột biến đủ sức khắc phục các lỗi đó.
"Virus sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình kháng cự", ông Kartsonis nói.
Song ông cũng cho biết molnupiravir có thể hiệu quả hơn nếu được sử dụng cùng với các loại thuốc khác, dù hiện giờ Merck chưa theo đuổi hướng phát triển này.
Thực tế, nhiều loại thuốc hiệu quả rõ rệt hơn khi dùng kết hợp, thay vì độc lập. Các dòng thuốc đầu tiên cho bệnh HIV nhanh chóng ngừng hoạt động khi sử dụng đơn lẻ vì virus đột biến.
Các nhà khoa học từ đó đã thử nghiệm hỗn hợp thuốc (cocktail) để tấn công mầm bệnh ở nhiều góc độ, làm chậm sự phát triển của biến thể, ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc. Phương pháp điều trị này có hiệu quả nhiều năm, đến tận thời điểm hiện tại.
Nhiều công ty nghiên cứu thuốc Covid-19 bằng hình thức khác nhau. Pfizer khởi động thử nghiệm giai đoạn cuối thuốc viên Covid-19 vào mùa hè, dự kiến công bố dữ liệu trong năm nay. Hãng dược Redhill Biopharma của Israel nghiên cứu thuốc opaganib cho nhóm bệnh nhân trung bình và nặng. Kết quả công bố hồi đầu tháng cho thấy thuốc làm giảm tỷ lệ tử vong. Tổ chức Wellcome cũng đầu tư 11 triệu USD cho một dự án có tên Covid Moonshot nhằm tìm ra loại thuốc có thể ngăn chặn virus tự tái tạo.
Nghiên cứu ban đầu, công bố vào tháng 10 cho thấy molnupiravir làm giảm 50% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở người mắc Covid-19 nhẹ đến trung bình. Theo Farrar, thuốc có thể là vũ khí cực quan trọng ở các nước đang phát triển, nơi hệ thống y tế còn hạn chế và vaccine khan hiếm.
Nhiều quốc gia đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung thuốc molnupiravir. Merck cho biết sẽ nộp đơn xin phê duyệt ở Mỹ càng sớm càng tốt. Cơ quan quản lý dược phẩm ở Liên minh châu Âu cũng dự kiến đánh giá thuốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci, dập dịch bằng vaccine vẫn là chiến lược tốt hơn cả.
Thục Linh (Theo Bloomberg)