Nội dung này đang được NCB xin ý kiến đại hội đồng cổ đông bằng văn bản. Trong số 203 triệu cổ phần này, một số là tài sản đảm bảo của FLC cho các khoản vay của Bamboo Airways tại NCB. Ngoài NCB, FLC và cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng dùng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp cho các khoản vay tại OCB, Sacombank.
Ngân hàng phải xin ý kiến cổ đông do giá trị chuyển nhượng số cổ phần trên tạm tính đến ngày 28/4 lớn hơn 20% vốn điều lệ của NCB tại báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.
Theo phương án NCB đề xuất, giá chuyển nhượng 203 triệu cổ phần Bamboo Airways bằng dư nợ gốc và lãi của khoản vay thế chấp, cộng thêm lãi phát sinh trong thời gian chờ nhận thanh toán. Phương thức chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận. Mức giá chuyển nhượng cụ thể chưa được tiết lộ.
"Việc chuyển nhượng theo phương thức thoả thuận, với giá chuyển nhượng như đề xuất sẽ giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện, sớm thu hồi đủ vốn cho NCB", ngân hàng giải thích trong tờ trình cổ đông.
Tính đến thời điểm đầu tháng 5, số cổ phần NCB sở hữu tương đương 11% vốn của hãng hàng không Bamboo Airways. Sắp tới, Bamboo Airways dự kiến phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, tương ứng tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó, 772 triệu cổ phần phát hành, tương ứng giá trị 7.720 tỷ đồng để hoán đổi cho chủ nợ. 378 triệu cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, vốn điều lệ của hãng bay này là 18.500 tỷ đồng.
Thời gian tới, Bamboo Airways có thể có những thay đổi quyết liệt ở cả vị trí cấp cao trong HĐQT và ban điều hành. Giữa tuần qua, hãng bổ nhiệm cựu sếp Vietnam Airlines Nguyễn Minh Hải làm CEO thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.
Trước đó, Bamboo Airways cũng công bố ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.
Anh Tú