Hãng tin CNN hôm 21/12 công bố nội dung cuộc gọi với Konstantin Kudryavtsev, người được cho là một trong những đặc vụ theo dõi lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, trong đó Kudryavtsev để lộ những phương thức có thể được dùng để đầu độc Navalny hồi tháng 8.
Navalny đóng giả một quan chức cấp cao trong Ủy ban An ninh Quốc gia Nga và yêu cầu Kudryavtsev phân tích về nhiệm vụ. Số điện thoại của Navalny cũng được làm giả để mô phỏng cuộc gọi từ trụ sở FSB tại Moskva. "Trang phục nào được chú ý nhất? Thứ nào gây nguy hiểm nhất", lãnh đạo đối lập Nga hỏi.
"Quần lót", Kudryavtsev trả lời, thêm rằng chất độc được bôi vào mặt trong, ở phần đũng quần. Một số chuyên gia chất độc nói với CNN rằng chất độc Novichok dạng hạt nhỏ có thể được hấp thụ vào cơ thể qua da khi nạn nhân đổ mồ hồi.
Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này.
Các đơn vị truyền thông gồm trang Bellingcat, CNN của Mỹ, trang Insider của Nga và báo Đức Der Spiegel của Đức tuần trước công bố kết quả điều tra chung, cho rằng các chuyên gia vũ khí hóa học thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã theo dõi lãnh đạo đối lập Alexei Navalny trong nhiều năm, kể cả vào ngày ông bị đầu độc.
Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm thường niên hôm 17/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả cáo buộc trên chỉ là một phần trong những thông tin bịa đặt do tình báo Mỹ cung cấp. "Đó là một thủ thuật để công kích các lãnh đạo Nga", ông cho hay.
Tổng thống Nga tránh gọi tên trực tiếp Navalny trong cuộc họp báo, chỉ đề cập tới lãnh đạo đối lập này là "bệnh nhân ở phòng khám Berlin", rằng Navalny được tình báo Mỹ hậu thuẫn nên các cơ quan an ninh Nga đã để mắt đến ông. "Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa cần phải hạ độc anh ta. Ai cần anh ta chứ. Nếu ai đó muốn đầu độc, họ sẽ kết liễu anh ta", ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Navalny cho rằng những bình luận của Putin là một sự thừa nhận. "Putin đã thừa nhận mọi chuyện. Chính thế đấy, FSB đã theo dõi tôi trong 4 năm", ông viết trên Twitter hôm 18/12.
Navalny, 44 tuổi, bị ốm nặng trong chuyến bay từ Siberia đến Moskva vào tháng 8 và phải nhập viện tại thành phố Omsk của Nga trước khi được đưa đến Berlin, Đức, điều trị. Chuyên gia một số nước phương Tây kết luận Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô. Moskva nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Navalny trước đó cáo buộc Putin đứng sau vụ đầu độc, song Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ. Lãnh đạo đối lập cũng tuyên bố sẽ trở lại Nga sau khi bình phục hoàn toàn ở Đức. Việc Navalny nghi bị đầu độc bằng Novichok khiến Liên minh châu Âu áp lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài khoản ngân hàng của 6 người bị nghi ngờ chịu trách nhiệm, gồm cả giám đốc FSB Alexander Bortnikov.
Vũ Anh (Theo CNN)