Tối 10/5 vừa qua, nhiều người dân tại một khu chung cư lớn ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm tá hỏa vì một căn hộ ở tầng 17 đốt than tổ ong, khiến khói độc tỏa ra hành lang.

Hiện trường vụ cháy ở chung cư Bắc Từ Liêm hôm 10/5 còn có hàng chục hộp than tổ ong dự trữ. Ảnh: Thùy Linh.
Gây hỏa hoạn là một phụ nữ kinh doanh nhỏ. Bà này mang than tổ ong lên nhà, nấu pate bán bánh mì, lý do là "tiền điện tăng cao". Công an quận đã xử lý và phạt hành chính. Đây là một khu chung cư mới, hiện đại, giá trung bình mỗi căn khoảng 3 tỷ đồng.
"Tôi không nghĩ chị ấy thiếu thốn đến mức như vậy, mà vấn đề là ở văn hóa. Nếu không có tiền trang trải, chị ấy có thể ở một nơi rẻ tiền hơn, chứ không phải là một chung cư hiện đại như thế này. Những trường hợp này phải có hình phạt nghiêm khắc, vì có thể sẽ khiến người khác mất mạng", chị Trần Kim Linh (49 tuổi), một cư dân chung cư này, nói.
Chuyện nấu than tổ ong không xa lạ với các cư dân ở những khu tập thể cũ, hay nhà ở xã hội, nhưng ít người nghĩ nó lại xảy ra ở các chung cư phân khúc cao, nơi chủ hộ đa số là người trẻ tuổi, có trình độ.
Chị Vũ Thị Hà (29 tuổi, ở Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khu căn hộ tầm trung chị từng ở đã có 2 vụ cháy nhỏ vì người dân đổ than còn lửa vào ống dẫn rác. Vì quá sợ hãi, chị đã phải bán căn hộ chuyển đi nơi khác. Ở chung cư mới của chị cũng tại quận này, việc dùng than, dầu, gas để nấu bị cấm tuyệt đối.
Đang sống tại một chung cư cao cấp thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Huyền Trang (30 tuổi, kinh doanh) cho biết nơi chị ở quy định đốt vàng mã, dùng bếp than, bếp dầu... phạt 5 triệu đồng, kể cả trong bán kính 100 mét. Thế nhưng chỉ mới ở đây 6 tháng, chị đã nghe được ít nhất 2 vụ vi phạm đốt vàng mã ngay trong tòa nhà.
Còn ở chung cư của anh Nguyễn Văn Thành (40 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều người dân đem chăn, gối, thậm chí cá khô hay lá thuốc ra phơi ngay lối thoát hiểm vì sợ đọng mùi trong nhà. Có hôm báo cháy reo, hàng chục người chạy thang bộ kẹt lại tầng 10 vì không thể di chuyển do có vật cản.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 16 vụ cháy tại các nhà chung cư, cao tầng. Trong đó phần lớn vụ ở các chung cư tầm trung và cao cấp, nguyên nhân chính từ sự thiếu ý thức của người ở. Con số này chưa tính đến những vụ nhỏ lẻ, chưa cần đến sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy.

Căn hộ cao cấp tại Thanh Xuân, Hà Nội vừa bàn giao đã bị chủ nhân thiêu rụi vì đốt vàng mã cầu may, ngày 26/3/2018. Mỗi căn hộ ở tòa nhà này có giá khoảng 4 tỷ đồng. Ảnh: Hải Đăng.
Hy hữu nhất là vụ việc ngày 26/3/2018. Vừa nhận nhà mới được vài phút, nữ chủ hộ của tòa chung cư cao cấp tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đã gây hỏa hoạn thiêu rụi gần một nửa nội thất trong nhà. Chị này cho biết đốt vàng mã cầu may, sơ suất gây cháy, quýnh quáng không dập được.
"Tôi không hiểu sao người ta có thể đốt vàng mã ngay tại căn phòng nơi mình ở. Hay tại người ta sợ đốt chỗ khác thì người khác sẽ nhận mất lộc ? Quá sợ hãi ý thức kiểu này", anh Trần Quốc Cường (37 tuổi), người dân cùng khu với người phụ nữ nọ, cho biết.
Cảnh cúng bái - nguyên nhân hàng đầu gây cháy nổ - tại nhiều khu chung cư đắt tiền cũng diễn ra không hiếm. Như vụ việc chủ xe ôtô cúng bái ở hầm đỗ xe tại một khu chung cư cao cấp ở Xa lộ Hà Nội (TP HCM) vào ngày 1/4/2018, tàn lửa bay đến các hộp điện và bám trên các phương tiện đi lại. May mắn vụ việc được phát hiện kịp thời.

Chủ hộ cúng xe mới ở khu nhà cao cấp trên Xa lộ Hà Nội (TP HCM) vào tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Duy Trần.
Cũng theo Cục Phòng cháy chữa cháy, những vụ hỏa hoạn gần đây luôn bắt nguồn từ những sơ suất nhỏ nhất. Như đám cháy tại tầng 24 một chung cư ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tối 17/9/2018, nguyên nhân chỉ vì chủ nhà kho thịt rồi đóng cửa ra ngoài, bỏ quên nồi thịt. Nhờ hàng xóm phát hiện kịp thời nên chỉ thiệt hại một bếp nấu.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết, vấn đề ý thức kém ở các chung cư là vì nhiều người vẫn còn lối suy nghĩ đề cao cá nhân, không quan tâm đến cộng đồng, cũng như lối sống tự do của tiểu nông còn vương vấn trong tiềm thức. Bên cạnh đó có thể là do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà quản lý, đôi khi chỉ xử phạt xuê xoa cho qua chuyện. Vấn đề văn hóa rất khó khắc phục. Nhưng về công tác quản lý thì có thể thay đổi ngay từ bây giờ.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi đốt vàng mã tại ban công căn hộ, nuôi chó mèo nguy hiểm và xả rác bừa bãi... bị xử phạt vi phạm hành chính 300.000-400.000 đồng.
Tuy nhiên, mức phạt này được nhiều người đánh giá là quá thấp, không có tác dụng răn đe. "Tôi thấy bị phạt 400 nghìn cho việc gây hỏa hoạn không khác gì vụ sàm sỡ trong thang máy chỉ phạt 200 nghìn, người vi phạm không sợ đâu. Tôi nghĩ phải phạt ít nhất 10 triệu, thậm chí phải hơn để nhớ, không dám tái phạm", Kiều Trinh (29 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hàng xóm của người phụ nữ đã đốt than tổ ong ở chung cư Bắc Từ Liêm, bày tỏ.
Trọng Nghĩa