Khi thấy các khâu nấu ăn đảm bảo quy trình, chị Thu tranh thủ lúc học sinh đi đổ cơm thừa vào túi rác lại gần trò chuyện, hỏi xem ăn có ngon miệng không. Nghe câu trả lời "Bữa ăn ngon, nhưng cháu hơi mệt nên không thể cố", chị Thu mới thở phào, dặn: "Nếu hôm nào không vừa miệng cứ nhắn cô để rút kinh nghiệm".
Làm phụ bếp cho một trường học ở thành phố Hà Tĩnh 14 năm nay, chị Thu cho biết, trước khi bắt đầu nấu một bữa ăn bán trú, tổ bếp luôn áp lực làm sao để đảm bảo cho học sinh ngon miệng và vừa mắt phụ huynh.
Hàng ngày, chị Thu đến trường từ tờ mờ sáng, cùng mọi người dọn dẹp, tiếp nhận thực phẩm từ nhà cung cấp do trường ký hợp đồng. Để lên thực đơn, tổ nhà bếp cùng Ban giám hiệu nhà trường phải họp bàn, cân đo đong đếm. Có thời điểm rau, thịt rẻ thì dễ quyết, nhưng gặp đúng lúc tăng giá thì rất khó xử, bởi nếu không định lượng cẩn thận, thức ăn nấu lên sẽ hao hụt.
Học sinh ăn bán trú chủ yếu là bậc mầm non, tiểu học. Chị Thu cho rằng lứa tuổi này bữa cơm không cần nhiều, quan trọng nhất là nguồn thực phẩm phải an toàn, đủ dinh dưỡng. Quá trình kiểm tra, nhà bếp không được cả nể với người cung cấp, nếu thực phẩm thiếu chất lượng thì trả lại, đề nghị đưa loại mới. Nếu không khéo léo để tìm tiếng nói chung, hai bên rất dễ mất lòng nhau.
Trước kia, chị Thu cảm thấy thoải mái khi phụ huynh vào giám sát bếp ăn, nhưng hiện tại thì không. "Nhiều bố, mẹ khó tính, bắt bẻ những cái không đáng. Đôi lúc họ chỉ nhắm vào cái sai nhất thời mà sẵn sàng chỉ trích, không để ý đến nỗ lực của bộ phận phục vụ, lo bữa ăn trong nhiều năm cho các cháu", chị Thu nói.
Lương mỗi tháng hơn 3 triệu đồng bao gồm cả ăn tại trường buổi sáng và trưa, chị Thu cho hay, mức thu nhập này không cao, ít thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng yêu nghề nên cố bám trụ.
Tham gia cung cấp thực phẩm cho trường học - khâu quan trọng của quy trình nấu ăn bán trú, anh Thành ở TP Hà Tĩnh bảo nhìn thì đơn giản, thực tế rất phức tạp. Mở cơ sở thực phẩm sạch, nguồn hàng được lấy từ những trang trại lớn và đã qua kiểm dịch, nhưng khi anh Thành đến gặp hiệu trưởng để chào hàng thì chỉ nhận được những cái lắc đầu.
"Có lần bàn bạc, hiệu trưởng rất thích thực phẩm do tôi cung cấp, nhưng không dám xóa hợp tác với đối tác cũ. Họ lấy lý do hội ý Ban giám hiệu, hỏi ý kiến phụ huynh rồi lờ đi", anh Thành kể. Qua tìm hiểu, anh biết nhiều chủ hàng dễ dàng nhận được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho trường, bởi là "anh em, họ hàng với hiệu trường, hoặc quen biết với cán bộ làm trong ngành giáo dục".
Sau thời gian dài thuyết phục, đến nay anh Thành đã hợp đồng cung cấp thịt lợn, bò, gà, cá, rau... cho bốn trường tiểu học và mầm non ở huyện Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh. Khó nhất, theo anh, là chiều lòng phụ huynh. Nếu thực phẩm rẻ quá họ cũng không thích, nói là "hàng đểu"; đạt chất lượng thì lại cho rằng "do nhà cung cấp kê giá lên, chứ chưa chắc đã ngon".
"Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư cho cơ sở, hiện tiền thu về đủ duy trì chứ không chưa có lời. Dù biết thuyết phục trường và phụ huynh thay đổi nhà cung cấp thực phẩm là rất khó, hàng tháng tôi vẫn tới tận trường đặt vấn đề, mong được hợp tác vì sức khỏe các cháu", anh Thành nói.
Ngoài nấu ăn tại chỗ, nhiều trường ở Hà Tĩnh hợp đồng với nhà hàng để cung cấp suất ăn bán trú. Theo một chủ nhà hàng, để hợp tác với trường, vợ chồng chị phải đầu tư lớn như mua thêm nồi chuyên dụng có nhiều khay để đựng cơm và thức ăn, sắm xe tải nhỏ chuyên chở, tiếp nhận đội ngũ nhà bếp từ các trường gửi về để làm các công tác hậu cần.
Mỗi ngày, vợ chồng chị cùng nhân viên phải dậy lúc 3h30 để chế biến thức ăn đến hơn 9h mới xong. "Bán cho khách rất thoải mái, nếu có sơ suất gì thì họ còn thông cảm được. Chuyển sang phục vụ học sinh, tôi gặp nhiều khó khăn vô hình. Dù làm cẩn thận mấy cũng vẫn lo, lỡ sai sót gì coi như mất hết", chị nói.
Cả chị Thu, anh Thành và chủ nhà hàng đều cho rằng nếu tất cả khâu trong quy trình chế biến bữa ăn bán trú đều tốt thì khó xảy ra ngộ độc thực phẩm, hay bớt xén khẩu phần. Những sự cố xảy ra gần đây nhiều khả năng do nhà trường "nể nang đối tác thân quen", nhập thực phẩm qua nhiều khâu trung gian, không truy xuất được nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
*Tên nhân vật đã thay đổi.