Các thủy thủ Mỹ trên tàu USS Monterey tại cảng Constanta, Romania năm 2011. Con tàu được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis được sử dụng trong lá chắn tên lửa của NATO. Ảnh: AFP |
Các nhà lãnh đạo "mới quyết định" khả năng ban đầu, nghĩa là một tàu chiến của Mỹ được trang bị tên lửa đánh chặn và hệ thống radar cảnh báo sớm ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm dưới sự chỉ huy của căn cứ quân sự NATO ở Đức, AFP dẫn lời một quan chức NATO giấu tên cho hay.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định lá chắn này không nhằm vào Nga mà nhằm để đánh hạ các tên lửa có thể gây nguy hiểm cho khu vực ví dụ như tên lửa của Iran. Tuy nhiên Moscow lo sợ rằng tên lửa sẽ làm mất tác dụng của các loại vũ khí hạt nhân của Nga và đe dọa có thể dàn trận tên lửa đến tỉnh Kaliningrad gần Ba Lan để đối phó với lá chắn tên lửa.
NATO từng đề nghị Nga hợp tác trong hệ thống phòng thủ tên lửa và tham gia hệ thống này trong kỳ họp lần trước tại Lisbon tháng 11/2010, tuy nhiên hai bên không đạt được thống nhất.
"Đây không phải là một dự án chống lại Nga mà là dự án mà chúng tôi muốn cùng với Nga thúc đẩy lợi ích an ninh của châu Âu. Do đó, chúng tôi luôn luôn hoan nghênh sự hợp tác của Nga", Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói.
Moscow từng kêu gọi điều khiển chung hệ thống và NATO ký vào văn bản có tính ràng buộc pháp lý rằng lá chắn không nhằm vào Nga. Tuy nhiên NATO khước từ cả hai đề nghị, quyết tâm giữ hai hệ thống riêng biệt và từ chối ký vào văn bản có tính ràng buộc.
Hệ thống lá chắn được thiết kế triển khai theo 4 giai đoạn và sẽ hoàn tất vào năm 2018. Tây Ban Nha sẽ đón 4 tàu Aegis của Mỹ tại cảng Rota của nước này trong khi Ba Lan và Romania sẽ đón các tên lửa lục địa SM-3 của Mỹ trong những năm tới.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO đang nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của khối ở Chicago, Mỹ. Dự kiến trong hai ngày hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tập trung nghị sự vào vấn đề Afghanistan, quan hệ NATO-Nga, vấn đề phòng thủ tên lửa, vũ khí hạt nhân, chính sách hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên và các điểm nóng chính trị trên thế giới.
Vũ Hà