"Đó là một phần trong bức tranh tổng thể mà chúng ta đang chứng kiến trong những tháng qua, rằng Nga đã hoàn toàn mất động lực ở Ukraine. Họ buộc phải từ bỏ các vùng kiểm soát", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn ở London ngày 9/11.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và tổng chỉ huy Sergey Surovikin thông báo rút quân khỏi thành phố trọng điểm phía nam Kherson, sang bờ đông sông Dnieper để thiết lập phòng tuyến mới.
Theo Tổng thư ký NATO, đây là động thái "đáng khích lệ", đồng thời cho thấy Ukraine đang gây áp lực hiệu quả với lực lượng Nga nhờ những vũ khí được phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thận trọng, cho biết còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tình hình ở Kherson.
"Chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ thực sự xảy ra", ông nói. "Không nên đánh giá thấp Nga. Họ vẫn có năng lực tập kích các thành phố khác, gây thiệt hại lớn cho Ukraine".
Nga tuyên bố rút quân khỏi Kherson sau khi thông báo sơ tán hơn 100.000 dân khỏi bờ tây sông Dnieper, với lý do Ukraine chuẩn bị mở đợt phản công lớn. Kherson là thủ phủ tỉnh duy nhất mà Nga kiểm soát ở Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2.
Giới chức Ukraine và chuyên gia quân sự gần đây bày tỏ ra hoài nghi rằng Nga có thể giăng bẫy lực lượng Ukraine ở Kherson. Họ không tin rằng Nga dễ dàng từ bỏ Kherson, thành phố chiến lược quan trọng, là cửa ngõ trên đất liền giúp kết nối bán đảo Crimea chặt chẽ hơn.
Họ cho rằng Nga có thể đang tạo ấn tượng rằng lực lượng nước này rơi vào thế yếu và phải rút lui khỏi Kherson, nhằm lôi kéo quân đội Ukraine nhanh chóng tiến vào tiếp quản thành phố. Giành lại Kherson sẽ cho phép Ukraine nhắm đến các tuyến đường tiếp tế quan trọng của lực lượng Nga.
Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Zelensky, cũng cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá tuyên bố Nga rút quân khỏi thành phố Kherson. "Nếu lá cờ Ukraine vẫn chưa tung bay trên Kherson, vẫn chưa có ý nghĩa gì khi nói về việc Nga rút quân", ông Podolyak bình luận.
Đức Trung (Theo Sky News)