
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chủ trì cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng hôm qua tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bỉ hôm qua, Tổng thư ký Jens Stoltenberg chỉ trích "sự leo thang gây rắc rối" của lực lượng Nga ở Syria và việc sử dụng "một số vũ khí hiện đại nhất của họ" gần biên giới với các nước NATO.
Khi chiến sự tiếp diễn, các lãnh đạo NATO tìm cách đảm bảo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng liên minh sẽ thực hiện bất cứ biện pháp nào để giúp bảo vệ lãnh thổ nước này trước khả năng xung đột Syria lan ra ngoài biên giới. Các chiến đấu cơ Nga đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất hai lần trong tuần tới, khiến Ankara và Brussels phản đối.
Các bộ trưởng tại NATO cho biết họ sẵn sàng triển khai lực lượng phản ứng nhanh xuống miền nam, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. "NATO có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả các đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, trước bất cứ mối đe dọa nào", Washington Post dẫn lời Stoltenberg nói. Ông cho biết tuy Thổ Nhĩ Kỳ chưa yêu cầu tăng viện quân đội hay vũ khí từ NATO, liên minh vẫn "đối thoại liên tục" với Ankara về sự hiện diện của Nga gần biên giới.
Tổng thư ký NATO cũng thông báo thành lập văn phòng trụ sở mới của tổ chức ở Hungary và Slovakia.
Anh dự kiến triển khai khoảng 100 quân ở Estonia, Latvia và Lithuania, trong bối cảnh căng thẳng với Moscow. Nước này cũng gửi 25 lính thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì cảnh báo Nga có nguy cơ bị phần còn lại của thế giới xa lánh. "Nga tiếp tục tự bọc bản thân bằng tấm vải cách ly, và chỉ có Kremlin mới có thể quyết định thay đổi điều đó", ông Carter nói với phóng viên. "Chúng tôi vẫn hy vọng rằng Nga sẽ thấy tự xích mình vào một con tàu chìm là một chiến lược thất bại".
Ông Carter dự đoán hành động can thiệp của Nga ở Syria sẽ phản tác dụng và còn khiến số người Nga thiệt mạng gia tăng. "Điều này sẽ tự gây ra hậu quả cho Nga", ông nói.
Nga bắt đầu triển khai chiến dịch không kích ở Syria từ ngày 30/9, nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm phiến quân. Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra hoài nghi, cho rằng Moscow muốn lợi dụng các cuộc không kích để hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng cách tấn công những lực lượng đối lập chống chính quyền Syria mà Washington đang huấn luyện.
Trọng Giáp