Theo Reuters, hội nghị hôm qua là lần đầu tiên các ngoại trưởng NATO nhóm họp sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga và dẫn đến tình trạng đối đầu nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố hành động trên của Nga đồng nghĩa với việc các hoạt động hợp tác không thể diễn ra như bình thường. "Hôm nay, chúng tôi đình chỉ tất cả các chương trình hợp tác thiết thực với Nga, trên cả lĩnh vực quân sự và dân sự", ông nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết mối quan hệ NATO - Nga trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc Nga có rút quân khỏi khu vực giáp biên giới với Ukraine hay không.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc Nga giảm quân tại biên giới phía đông của Ukraine theo mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa đủ vì vẫn còn quá nhiều binh lính tại khu vực này
NATO cũng yêu cầu các chỉ huy quân sự lập kế hoạch gia tăng biện pháp phòng thủ của khối, nhằm trấn an các nước thành viên Đông Âu, bao gồm các nước Baltic vốn thuộc Liên Xô.
Các biện pháp có thể bao gồm điều binh lính và khí tài của NATO đến các nước trên, tăng cường diễn tập quân sự, đảm bảo các lực lượng phản ứng nhanh của khối có khả năng kịp thời ứng phó tốt hơn và rà soát lại các kế hoạch quân sự.
Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết tướng Philip Breedlove, tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, đang xem xét việc điều một tàu chiến của nước này đến khu vực Biển Đen và tăng cường các hoạt động diễn tập của NATO.
Khối này cũng nhất trí với Ukraine về việc đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và hiện đại hóa. Kiev cũng sẽ có cơ hội để tham gia vào các cuộc diễn tập chung của NATO.
Cùng ngày, bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Ukrainekhông được gia nhập NATO và cho biết những nỗ lực trước đây của Kiev nhằm tiến gần hơn tới liên minh quân sự này đã nhận phải những hậu quả không mong đợi.
Đức Dương