Theo CNN, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Washington, các nhà nghiên cứu của NASA cho biết đã tìm thấy bằng chứng về nước lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Từ lâu các nhà khoa học đã phát hiện có nước đóng băng ở hai cực sao Hỏa, trong bầu khí quyển mỏng manh của hành tinh này, thậm chí là các vũng nước nhỏ hình thành ban đêm trên bề mặt.
Tuy nhiên, việc phát hiện có dòng nước chảy trên bề mặt lạnh giá và cằn cỗi của sao Hỏa có thể dẫn đến bước đột phá trong việc tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ, cho dù sự sống này hiện hữu hay đã biến mất.
Công bố hôm nay của NASA liên quan đến một báo cáo phân tích hình ảnh sao Hỏa do tàu thăm dò vũ trụ Reconnaissance Orbiter gửi về Trái Đất cho thấy, có "những đường rãnh sẫm màu xuất hiện theo mùa tại nhiều điểm trên bề mặt sao Hỏa". Đây là kết quả của dòng nước mặn chảy xuống các sườn dốc trên hành tinh đỏ.
Hàm lượng muối trong nước rất quan trọng, bởi muối giúp hạ thấp nhiệt độ đóng băng của nước, làm cho nước không bị đông cứng lại ở nhiệt độ lạnh giá ở sao Hỏa. Ba nhà khoa học NASA là đồng tác giả của báo cáo trên trong đó có Lujendra Ojha, tác giả chính của báo cáo. Anh là người đầu tiên phát hiện những vệt nước trên năm 2011 và cùng đồng nghiệp đưa ra giả thuyết về dòng chảy trên sao Hỏa, khi mới 21 tuổi.
Báo cáo không cung cấp lời giải về cội nguồn dòng nước, tuy nhiên, các nhà khoa học đưa ra vài giả thuyết cho rằng, có thể nó là băng tan chảy dưới bề mặt, hoặc là kết quả của lượng muối dồi dào trong lòng đất sao Hỏa hút nước từ bầu khí quyển, hoặc cũng có thể là chất lỏng sủi lên từ tầng nước ngầm.
Hồi tháng 4, Alfred McEwen, đồng tác giả của báo cáo từng công bố một nghiên cứu khác cho rằng muối trong đất sao Hỏa có đủ khả năng hút nước từ không khí và tạo thành những vũng nước nhỏ ban đêm. Hồi tháng 3, NASA tuyên bố từng có biển kích cỡ tương đương Đại Tây Dương của Trái Đất trên sao Hỏa.
Hồng Hạnh