Được thiết lập để trở thành tên lửa đầu tiên cất cánh từ hành tinh khác, phương tiện mang tên Mars Ascent Vehicle (MAV) là một phần quan trọng của chiến dịch lấy các mẫu đất đá sao Hỏa - thu thập bởi robot thăm dò Perseverance của NASA - và đưa chúng trở về Trái đất để nghiên cứu nâng cao.
Kể từ khi hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 18/2/2021, Perseverance đã tích cực tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại bên trong miếng hố Jezero, nơi từng chứa một hồ nước và đồng bằng châu thổ sông cách đây hàng tỷ năm. Tính đến hôm 31/1, robot đã thu thập thành công 6 lõi đá từ bề mặt hành tinh. NASA có kế hoạch gửi các mẫu vật về Trái Đất vào năm 2026.
Nhiệm vụ này sẽ là một thách thức lớn. Tên lửa MAV phải được đưa lên sao Hỏa cùng một tàu đổ bộ khác mang tên Sample Fetch Rover. Robot tự hành mới này sẽ di chuyển đến vị trí lấy mẫu, lấy các thùng kín chứa mẫu vật mà Perseverance đã thu thập được và chuyển chúng vào tên lửa MAV. Sample Fetch Rover cũng sẽ đóng vai trò là bệ phóng để MAV cất cánh trở về Trái Đất, quản lý dự án Angela Jackman của NASA nói với UPI trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 8/2.
NASA hôm 7/2 đã thông báo trao hợp đồng chế tạo MAV cho công ty hàng không Lockheed Martin có trụ sở ở Bethesda, Maryland, Mỹ. Theo thiết kế, tên lửa trị giá 194 triệu USD này sẽ chỉ cao khoảng 3 m, có đường kính 45 cm và nhẹ hơn 1.000 pound (≈ 454 kg). Để so sánh, robot thăm dò Perseverance nặng khoảng 1.025 kg trên Trái Đất.
Theo Jackman, MAV phải nhỏ gọn để được đưa tới sao Hỏa cùng với tàu Sample Fetch Rover, nhưng cũng cần có đủ sức mạnh để thoát khỏi hành tinh sau khi nhận mẫu đá. "Đó là một thách thức nhưng chúng ta có hai lợi thế: lực hấp dẫn và bầu khí quyển của sao Hỏa nhỏ và mỏng hơn nhiều so với Trái Đất. Cũng có gió trên hành tinh nhưng có lẽ sẽ không gây ra vấn đề gì", Jackman cho biết thêm.
Northrop Grumman đã bắt đầu nghiên cứu động cơ tên lửa rắn cho MAV. Nó sẽ là một tên lửa hai giai đoạn. NASA tiết lộ rằng Sample Fetch Rover sẽ dùng thuốc phóng để đẩy MAV lên không trung, sau đó động cơ chính của MAV mới khai hỏa.
Đoàn Dương (Theo UPI/NASA)