Thử nghiệm kéo dài hai phút được truyền hình trực tiếp từ Promontory, bang Utah, trên kênh NASA Television. Nhà chức trách sẽ phân tích kết quả thử nghiệm để xem xét hệ thống vận hành trơn tru tới đâu.
Hình ảnh từ NASA cho thấy tầng đẩy nằm ngang khai hỏa trong thử nghiệm và phun ra ngọn lửa màu cam giữa triền đồi màu xám. Theo thiết kế, tầng đẩy sẽ tạo ra 16 triệu newton khi kích hoạt và duy trì hoạt động trong 122 giây. Vài phút sau khi thử nghiệm kết thúc, hơi nước từ sức nóng của ngọn lửa vẫn tiếp tục bốc lên. "Thử nghiệm sẽ đánh giá vật liệu mới và xác nhận đáp ứng tất cả yêu cầu về motor", Nikolas Ciaston, kỹ sư làm việc tại Northrop Grumman, nhà thầu chế tạo tầng đẩy SLS cho biết.
Kết quả từ thử nghiệm này cũng sẽ được sử dụng để chế tạo các tên lửa đẩy sau nhiệm vụ Artemis 3. Artemis 3 là chuyến bay đưa phi hành gia hạ cánh trên Mặt Trăng, dự kiến diễn ra vào năm 2024.
"NASA và Northrop Grumman đã hoàn thành thử nghiệm tầng đẩy dùng cho 3 nhiệm vụ Artemis trong chương trình khám phá Mặt Trăng", đại diện NASA cho biết. "Thử nghiệm tầng đẩy nhiên liệu rắn 5 phần của SLS giúp đánh giá những cải tiến và vật liệu mới cho các nhiệm vụ sau Artemis 3".
Northrop Grumman đã hoàn thành 5 thử nghiệm khai hỏa tầng đẩy SLS từ năm 2009. Thử nghiệm mới nhất diễn ra hai tháng kiểm tra tầng trung tâm của SLS, hơi muộn hơn so với kế hoạch do Covid-19. Chi phí phát triển SLS hiện nay là 9,1 tỷ USD.
SLS sẽ là tên lửa đẩy mạnh nhất vũ trụ khi đi vào hoạt động, được thiết kế để đạt tốc độ 2.400 km/h. Chuyến bay đầu tiên của SLS sẽ diễn ra vào tháng 11/2021, đưa tàu vũ trụ không người lái Orion bay vòng quanh Mặt Trăng trong nhiệm vụ thử nghiệm để xác nhận cả hai hệ thống đã sẵn sàng cho các lần bay tiếp theo. Chuyến bay vào năm 2023 sẽ đưa phi hành đoàn bay vòng quanh Mặt Trăng, chuẩn bị để hạ cánh trong năm tiếp theo.
An Khang (Theo Space)