
Tàu Voyager 2 đang bay trong vũ trụ. Ảnh: NASA.
NASA cho biết theo lịch trình, Voyager sẽ thực hiện một tác vụ hôm 25/1, đòi hỏi tàu vũ trụ xoay 360 độ để hiệu chỉnh thiết bị từ trường trên tàu. Tuy nhiên, tác vụ này không diễn ra thuận lợi như kế hoạch và kích hoạt một trong các quy trình xử lý lỗi tự động của tàu. Những quy trình này được thiết kế để bảo vệ tàu vũ trụ khỏi hư hỏng nhiều hơn khi có vấn đề xảy ra.
Theo thông tin ban đầu do các kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California, thu thập, lỗi này khiến hai hệ thống tiêu hao nhiều năng lượng vận hành cùng lúc. Tàu Voyager 2 sử dụng quá nhiều điện từ nguồn cung cấp năng lượng, dẫn tới khởi động quy trình xử lý lỗi và ngắt các thiết bị khoa học trên tàu vũ trụ.
Các chuyên viên ở JPL đang tìm cách tắt một trong hai hệ thống tiêu hao năng lượng và bật lại thiết bị khoa học của Voyager 2. Tuy nhiên, họ không thu được dữ liệu từ con tàu vào hôm 28/1. Đội kỹ sư sẽ phải làm nhiều việc hơn nếu muốn con tàu khôi phục hoạt động thông thường.
Khắc phục sự cố trên tàu Voyager là điều rủi ro bởi tàu đang bay cách Trái Đất khoảng 18,5 tỷ km, khiến việc truyền đạt những chỉ thị cơ bản cho con tàu trở thành quá trình tốn thời gian. Dù dữ liệu truyền đến và đi từ tàu vũ trụ di chuyển ở tốc độ ánh sáng, thời gian vượt qua khoảng cách xa xôi lên tới 17 tiếng. Do đó, các kỹ sư phải đợi tổng cộng 34 tiếng để biết các chỉ thị có tác dụng như dự kiến hay không.
Phóng cách nhau 16 ngày từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, năm 1977, bộ đôi tàu thăm dò Voyager giữ kỷ lục vật thể nhân tạo bay xa nhất từ Trái Đất. Cả hai con tàu đều vượt qua ranh giới của hệ Mặt Trời để tiến vào không gian liên sao. Suốt hơn 40 năm trong vũ trụ, hai con tàu đã thu thập dữ liệu quý giá, giúp mở rộng hiểu biết của con người về hệ Mặt Trời.
Voyager 2 là tàu vũ trụ duy nhất bay qua cả 4 hành tinh ở vành ngoài hệ Mặt Trời. Đây cũng là tàu vũ trụ đầu tiên gửi về ảnh chụp vành đai sao Mộc cũng như hình ảnh của sao Thiên Vương và sao Hải Vương, giúp khám phá thêm nhiều mặt trăng, nhận dạng các núi lửa hoạt động ở ngoài Trái Đất (trên mặt trăng Io của sao Mộc) và đại dương ở thế giới khác (dưới bề mặt đóng băng của mặt trăng Europa quay quanh sao Mộc).
An Khang (Theo Newsweek)