NASA lựa chọn ba dự án khoa học mới cho Dịch vụ Hàng hóa Mặt Trăng Thương mại (CLPS) thuộc chương trình Artemis - chương trình nhằm đưa con người quay lại Mặt Trăng, Engadget hôm 12/6 đưa tin. Hai trong ba dự án sẽ đưa máy móc đáp xuống nửa tối của thiên thể này. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên NASA đưa tàu đáp xuống nửa tối. Mục đích của nhiệm vụ là thu thập dữ liệu về khu vực này - đích đến tiềm năng cho các phi hành gia Artemis trong tương lai.
Chưa có phương tiện nào từng hạ cánh thành công xuống nửa tối Mặt Trăng cho đến tháng 1/2019. Khi đó, tàu Hằng Nga 4 đáp xuống hố trũng Aitken, đưa Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đạt được thành tựu này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu về nửa tối Mặt Trăng trước khi đưa con người tới đây.
Một trong ba dự án mà NASA vừa chọn, Địa chấn Nửa tối, sẽ nhắm đến hố va chạm Schrodinger để nghiên cứu kỹ hơn về hoạt động kiến tạo. Đây là dự án của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) với mục tiêu sử dụng hai địa chấn kế để thu thập dữ liệu trong nhiều tháng. Ngoài nghiên cứu hoạt động kiến tạo, dự án cũng sẽ tìm hiểu tác động của các thiên thạch nhỏ đến nửa tối, đồng thời cung cấp thêm dữ liệu về cấu trúc của Mặt Trăng.
Dự án thứ hai, Vật liệu và Nhiệt độ Bên trong Mặt Trăng, cũng hướng đến hố va chạm Schrodinger với hai thiết bị giúp nghiên cứu dòng nhiệt bên trong Mặt Trăng và tính dẫn điện.
Mục tiêu của dự án còn lại, Đỉnh Mặt Trăng, là Reiner Gamma - một trong những xoáy Mặt Trăng rõ nhất khi quan sát từ Trái Đất. Các chuyên gia đến nay vẫn chưa hiểu rõ vòng xoáy Mặt Trăng là gì và hình thành ra sao. Tuy nhiên, họ cho rằng chúng liên quan đến sự bất thường của từ trường Mặt Trăng. Đỉnh Mặt Trăng gồm một trạm đổ bộ và một robot với nhiệm vụ thực hiện các phép đo từ trường.
Cả ba dự án đều được nộp cho NASA theo chương trình Hàng hóa và Nghiên cứu Khoa học trên Bề mặt Mặt Trăng (PRISM) vào năm ngoái. Các nhóm vẫn đang đàm phán với cơ quan này về số tiền sẽ nhận để hiện thực hóa dự án. Trong khi đó, mục tiêu của NASA là đưa các thiết bị đến đích vào năm 2024.
Thu Thảo (Theo Engadget)