Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sẽ khởi động sứ mệnh lịch sử mang tên "chạm vào Mặt Trời" vào đầu tháng sau, ngày 4/8. Tàu thăm dò Parker Solar được kỳ vọng sẽ lần đầu tiên chạm tới vành nhật hoa - phần ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời, nơi nó phải đối mặt với nhiệt độ và mức độ phóng xạ cao khủng khiếp, theo Science News.
Theo kế hoạch, tàu Parker Solar sẽ bay 24 vòng quanh Mặt Trời và tận dụng lực hấp dẫn của sao Kim để thu hẹp dần quỹ đạo. Ở vòng đầu tiên, con tàu sẽ bay cách bề mặt Mặt Trời khoảng 24 triệu km, và dự kiến mất gần 7 năm (kể từ ngày phóng) để thu hẹp khoảng cách xuống còn 6 triệu km ở vòng cuối cùng, khoảng cách gần Mặt Trời nhất từ trước tới nay.
Tàu Parker Solar sẽ bay xuyên qua phần ngoài cùng của vành nhật hoa với tốc độ lên tới 700.000 km/h, nhanh tới mức có thể bay từ Philadelphia tới Washington chỉ trong một giây và từ New York tới Tokyo trong chưa đầy một phút, biến nó trở thành vật thể nhân tạo bay nhanh nhất trong hệ Mặt Trời.
Tại vị trí gần Mặt Trời nhất, tàu Parker Solar có thể bị nung nóng tới nhiệt độ 1.370°C. Để có thể chịu được mức độ phóng xạ cao cùng với sức nóng khủng khiếp như vậy, NASA đã trang bị cho con tàu các lá chắn nhiệt bằng sợi carbon phức hợp dày 11,4 cm, cho phép nó chịu được nhiệt độ lên tới 1.400°C.
Sứ mệnh "chạm vào Mặt Trời" được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học NASA hiểu được vì sao vành nhật hoa có nhiệt độ nóng hơn rất nhiều so với bề mặt của Mặt Trời. Bề mặt Mặt Trời có nhiệt độ khoảng 5.500°C, trong khi đó, vành nhật hoa có thể nóng tới hàng triệu độ C.
Bên cạnh đó, dữ liệu mà tàu Parker Solar thu thập được có thể hé lộ những bí ẩn lâu nay về gió Mặt Trời và nguyên lý hoạt động của các ngôi sao, giúp cải thiện khả năng dự báo các sự kiện thời tiết vũ trụ có thể gây ảnh hưởng tới vệ tinh, phi hành gia và sự sống trên Trái Đất.