Sau nhiều năm phát triển, NASA và Lockheed Martin thông báo hoàn thành mẫu máy bay X-59 Quesst (Quiet SuperSonic Technology) hôm 12/1 trước đám đông gần 150 người ở cơ sở Skunk Works của Lockheed Martin tại Palmdale, California, theo Space. Là máy bay dòng X mới nhất của NASA, X-59 được thiết kế để phá vỡ rào cản âm thanh mà không gây ra tiếng nổ siêu thanh ầm ỹ thường xảy ra khi máy bay bay nhanh hơn vận tốc âm thanh. Thay vào đó, mẫu máy bay chỉ phát ra tiếng động êm tai hơn nhiều, tương tự tiếng sập cửa xe. Nếu thành công, máy bay phản lực này có tiềm năng cách mạng hóa bay siêu thanh nói riêng và ngành hàng không nói chung, theo Space.
Khi X-59 rời khỏi kho chứa, phần mũi giống chiếc mỏ kéo dài của chiếc máy bay vô cùng nổi bật và hé lộ nó không có cửa sổ quan sát phía trước. X-59 là kết quả hàng chục năm nghiên cứu, sử dụng nhiều phương pháp sản xuất khác biệt bao gồm hệ thống thực tế ảo mới, khoan tự động và kỹ thuật mô hình 3D. Đặc biệt, việc không lắp cửa sổ quan sát phía trước giúp giảm tiếng nổ siêu thanh mà phương tiện tạo ra. Thay vào đó, X-59 trang bị eXternal Vision System (XVS), hệ thống bao gồm camera và màn hình trong buồng lái, cung cấp cho phi công tầm nhìn với những gì ở mặt trước máy bay thông qua thực tế ảo. Hệ thống này có tiềm năng cách mạng hóa thiết kế máy bay.
Jim Free, phó giám đốc NASA, nhấn mạnh X-59 là máy bay mới nhất trong dòng máy bay X hướng tới thay đổi ngành hàng không. "Mỗi máy bay thuộc dòng X có một mục đích đặc biệt nhằm thử nghiệm công nghệ mới hoặc ý tưởng khí động học", Free nói. "Những máy bay độc đáo này sẽ thúc đẩy giới hạn bay. Sau khi chứng minh ý tưởng, chúng thường được đưa vào bảo tàng. Đó thực sự là điều khiến X-59 khác biệt".
Free đề cập tới thực tế sau khi X-59 sẵn sàng bay, phương tiện sẽ thực hiện nhiều chuyến bay qua các khu dân cư được lựa chọn ở Mỹ để thu thập dữ liệu về trải nghiệm của mọi người trên mặt đất và phản ứng đối với tiếng nổ siêu thanh mà nó tạo ra. Sau đó, NASA sẽ sử dụng thông tin này để xin cấp phép bay siêu thanh thương mại từ cơ quan quản lý như Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Mục tiêu cuối cùng là giúp ngành hàng không trở nên bền vững và bay nhanh hơn qua khu dân cư.
An Khang (Theo Space)