Độ mặn của một số vùng trong đại dương tăng trong 50 năm qua, trong khi nhiều vùng khác lại trở nên "nhạt" hơn. Ảnh: cowanglobal.com. |
Các nhà khoa học của NASA đã lên tàu để tới các vùng có độ mặn cao ở giữa Đại Tây Dương và nghiên cứu những yếu tố khiến độ mặn trong đại dương thay đổi theo từng khu vực, Livescience đưa tin.
"Phần lớn chúng tôi tin rằng biến đổi khí hậu là thủ phạm khiến độ mặn trong nước biển tại các vùng trong đại dương không giống nhau", Ray Schmitt, một thành viên trong đoàn nghiên cứu, phát biểu. Ông là nhà khoa học của Viện Hải Dương Woods Hole tại Mỹ, phát biểu trước khi lên tàu hôm 6/9.
Đại dương đóng vai trò quan trọng đối với chu kỳ tuần hoàn của nước, bởi 86% hơi nước và 78% lượng mưa xuất hiện phía trên đại dương, theo số liệu của NASA. Bằng cách theo dõi độ mặn của đại dương, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn chu kỳ tuần hoàn của nước trên phạm vi toàn cầu.
Tàu của Viện Hải Dương Woods Hole tại Mỹ cập cảng để đưa các nhà nghiên cứu tới giữa Đại Tây Dương vào hôm 6/9. Ảnh: NASA. |
"Biến đổi khí hậu có thể làm tăng tốc độ tuần hoàn của nước, song các mô hình máy tính hiện nay không lượng hóa được tác động của biến đổi khí hậu đối với chu kỳ tuần hoàn của nước trong 50 năm qua", Schmitt nhận định.
Ngoài biến đổi khí hậu, gió và một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng hoặc giảm độ mặn của nước biển.
"Chúng tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi và mọi người hy vọng chúng tôi có thể trả lời những câu hỏi đó trong chuyến thám hiểm sắp tới", Schmitt nói.
Đoàn nghiên cứu sẽ gắn nhiều thiết bị vào tàu và thả những cảm biến trên bề mặt đại dương. Các nhà nghiên cứu từ châu Âu cũng sẽ tới khu vực giữa Đại Tây Dương để thu thập dữ liệu.
Minh Long